Châu Âu chảy máu chất xám - Phần 2
Để đảo ngược xu thế này, năm 2011, Hội đồng châu Âu đã triển khai ý tưởng Thẻ xanh (Blue Card), một mô hình tương tự như chương trình thẻ xanh (Green Card) của Mỹ vốn cấp thị thực cho những người nước ngoài mong muốn làm việc tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Châu Âu cần hiểu rằng chỉ những cải cách hết sức căn bản mới ngăn được tình trạng chảy máu chất xám.
Với ý tưởng này, Brussels hy vọng thu hút 20 triệu lao động có tay nghề cao, đặc biệt là các kỹ sư, các chiến lược gia cho doanh nghiệp và những lao động trong ngành công nghệ sinh học. Nhưng kết quả khá thất vọng.
Năm 2012 và 2013, EU mới chỉ cấp được chưa tới 20.000 thị thực trong khuôn khổ chương trình này, một con số quá ít ỏi so với những người rời đi. Không có nhiều hy vọng để trông chờ một sự gia tăng đột biến số thẻ xanh được cấp một sớm một chiều.
Sẽ không hề dễ dàng để thu hút những công dân châu Âu tài năng nhất quay trở lại, nhưng trong tình thế hiện nay, EU không còn lựa chọn nào khác.
Ngay cả khi nền kinh tế châu Âu tăng trưởng, những người nhập cư sẽ có thể muốn tìm tới các khu vực khác hấp dẫn hơn. Bởi lẽ, những rào cản về sáng chế và ngôn ngữ cùng với sự trỗi dậy của các đảng dân tộc, đôi khi trở thành xu hướng bài ngoại, đang tồn tại khắp châu lục này.
Đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách châu Âu cần tập trung nhiều hơn vào việc kêu gọi công dân họ hồi hương. Trong giai đoạn kinh tế trì trệ, ngoài hiệu quả về kinh tế, việc kiều dân hồi hương sẽ có ý nghĩa về mặt chính trị đối với dư luận.
Nhờ sự gắn bó tình cảm sâu nặng với vùng đất của mình, những người hồi hương nói chung tận tâm và quyết tâm hơn trong việc phát triển cộng đồng của họ. Ngược lại, những người nhập cư có xu hướng đấu tranh để hội nhập và có ít cam kết hơn với đời sống chính trị của nước sở tại. Hơn nữa, họ thường gửi một phần đáng kể thu nhập của mình về quê hương nhằm giúp đỡ gia đình.
Những kiều dân cũng trở về châu Âu với diện mạo con người, xã hội và nguồn tài chính mới mẻ. Nhờ những kinh nghiệm chuyên môn ở nước ngoài, họ sẽ giúp đẩy mạnh việc chuyển giao những công nghệ mới và khuyến khích trao đổi thành quả trí tuệ với lực lượng lao động quốc tế. Kiều dân cũng đồng thời giúp thiết lập những ngành kinh doanh mới mẻ, ứng dụng những mô hình thành công mà họ đã trải nghiệm trong những năm ở nước ngoài.
Do vậy, giới lãnh đạo EU cần hoạch định những chính sách nhằm thu hút công dân đang ở nước ngoài. Họ cần được có ưu đãi về thuế, về việc gia nhập thị trường lao động và sự tiếp cận đặc biệt với nguồn vốn để vận hành công việc kinh doanh.
Để hạn chế được chi phí, các chính sách tái hòa nhập này cần hướng tới các nhóm tuổi đặc thù với các kỹ năng lao động rõ ràng. Chẳng hạn, những kỹ sư, nhà khoa học, doanh nhân công nghệ số dưới 40 tuổi cần được trong diện ưu tiên, vì họ là những người có khả năng nhất trong việc thành lập những công ty mới, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Tóm lại, người châu Âu cần hiểu rằng chỉ những cải cách hết sức căn bản mới ngăn được tình trạng chảy máu chất xám. Làn sóng này nếu không được ngăn chặn sẽ phá hủy hiện tại và tương lai của nền kinh tế châu Âu.