An ninh vùng Vịnh đang chạm đến 'vạch đỏ'
Khu vực Trung Đông những ngày qua tiếp tục “nóng” với những diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, đỉnh điểm Riyadh cáo buộc Tehran “có hành động gây hấn quân sự trực tiếp”.
Sự căng thẳng này đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột và đẩy an ninh vùng Vịnh tới giới hạn “đỏ”.
Nguy cơ leo thang căng thẳng
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vừa bác bỏ cáo buộc của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman rằng Tehran "có hành động gây hấn quân sự trực tiếp" đối với vương quốc nước này, khẳng định đây là tuyên bố "sai lệch và nguy hiểm". Ông Zarif tuyên bố cáo buộc trên của Thái tử Saudi Arabia là "trái với luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc”.
Trước đó, Thái tử Salman tố cáo Iran có "hành động gây hấn quân sự trực tiếp" đối với Saudi Arabia thông qua việc cung cấp tên lửa cho phiến quân Houthi ở Yemen. Liên quân chống Houthi do Saudi Arabia dẫn đầu cho biết tình hình leo thang nguy hiểm sau khi quân đội Saudi Arabia đánh chặn một quả tên lửa đạn đạo do Houthi bắn vào thủ đô Riyadh hôm 4-11.
Bộ Ngoại giao Iran sau đó đã bác cáo buộc của lực lượng liên quân rằng Tehran đứng đằng sau vụ tấn công bằng tên lửa này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định các cáo buộc trên là “phá hoại, vô trách nhiệm, khiêu khích và vô căn cứ”, đồng thời cho rằng vụ việc là “phản ứng độc lập” của người dân Yemen trước các cuộc tấn công của Saudi Arabia. Trong khi đó, Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ những cáo buộc của Saudi Arabia về việc Iran hậu thuẫn các nhóm phiến quân chống lại Riyadh.
Trước những diễn biến mới căng thẳng trong quan hệ song phương, Iran đã kêu gọi Saudi Arabia ngừng các chính sách thù địch chống lại Tehran, cảnh báo về những hậu quả xấu tác động tới sự ổn định trong khu vực. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự phát triển của các nước trong khu vực, bao gồm Saudi Arabia và nói rằng "không có con đường nào khác ngoài tình anh em, tình bạn và giúp đỡ lẫn nhau". Theo ông, Riyadh sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng Tehran không phải là bạn mà là Mỹ và Israel, gọi đây là "một sai lầm và tính toán sai chiến lược".
Tổng thống Iran Rouhani cho biết thêm mục tiêu chung của các nước trong khu vực là thiết lập và thúc đẩy sự ổn định, giữ nguyên trạng các biên giới địa lý, đảm bảo các quốc gia có quyền tự quyết và chấm dứt các cuộc chiến sự. Nhà lãnh đạo Iran cũng tố cáo âm mưu của những quốc gia bá quyền đối với các nước trong khu vực nhằm cướp bóc dầu mỏ và sự giàu có và đổi lại bằng việc bán vũ khí "nhằm thổi bùng ngọn lửa" của hận thù.
Ngoài ra, Tổng thống Rouhani đã lên án việc liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp quân sự vào Yemen để chống lại phiến quân Houthi kể từ tháng 3-2015 gây ra cuộc chiến tranh chết chóc tại quốc gia láng giềng Trung Đông này. Ông cũng chỉ trích việc liên quân phong tỏa các biên giới trên đất liền, trên không và trên biển tại Yemen không cho phép hoạt động vận chuyển thuốc men và lương thực cho người dân Yemen cũng như hoạt động cứu trợ của Liên hợp quốc.
Tổng thống Iran đã nêu bật sức mạnh và vai trò có ảnh hưởng của Iran trong khu vực, đồng thời bác bỏ những cáo buộc cho rằng Tehran can thiệp vào các nước khu vực và nói rằng những lập luận này được đưa ra trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đang chống khủng bố ở Iraq và Syria theo yêu cầu của các quốc gia này.
Hình minh họa
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Trước những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố Cairo phản đối mọi sự leo thang quân sự trong khu vực liên quan tới căng thẳng mới nhất giữa Iran và Saudi Arabia. Ông nhấn mạnh khu vực này vốn không yên bình và các nước nên có cách tiếp cận thận trọng đối với các mâu thuẫn mới đồng thời hối thúc đối thoại để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Cairo tuyên bố ủng hộ "người anh em Arab" (Saudi Arabia) và cảnh báo an ninh của các nước vùng Vịnh đang trong "giới hạn đỏ".
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini đã cảnh báo tình hình căng thẳng gia tăng giữa Iran, Saudi Arabia và các nước đồng minh của hai bên là "vô cùng nguy hiểm". Bà Mogherini nhấn mạnh giới chức châu Âu đều hy vọng hai bên kiềm chế, tránh những phát ngôn gây căng thẳng và tìm kiếm "một điểm chung tối thiểu" để xây dựng hòa bình. Về phần mình, Tổng tham trưởng quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết khu vực, coi đây là điều thiết yếu để thiết lập an ninh.
Ngày 10-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Riyadh để thảo luận với Hoàng Thái tử của Saudi Arabia Salman về căng thẳng chính trị tại Liban và cuộc khủng hoảng tại Yemen, hai tâm điểm của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng khu vực Trung Đông của Saudi Arabia và Iran. Ông Macron cũng khẳng định sẽ tới thăm Iran như là một phần trong nỗ lực đàm phán với tất cả các nước có ảnh hưởng trong khu vực.
Cuộc đối đầu nguy hiểm
Mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia vốn đã âm ỉ từ lâu, do mâu thuẫn trong quan niệm tôn giáo cũng như cách tiếp cận trong nhiều vấn đề quốc tế.
Về tôn giáo, đa số người dân Iran theo dòng Hồi giáo Shiite, trong khi đa số dân Saudi Arabia lại theo dòng Hồi giáo Sunni. Saudi Arabia luôn tự cho mình là người đứng đầu giáo phái dòng Sunni, còn Iran là một trong những nhà lãnh đạo khu vực của dòng Shiite. Chính sự khác nhau giữa hai chi phái lớn nhất trong Hồi giáo khiến Iran và Saudi Arabia luôn đứng về hai phía trong các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng tại Syria, Iraq và Yemen, nơi liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã triển khai chiến dịch quân sự để ngăn chặn lực lượng nổi dậy Houthi dòng Shiite. Saudi Arabia vẫn thường xuyên cáo buộc Iran kích động các cuộc xung đột trong khu vực bằng việc ủng hộ các phong trào của người Hồi giáo dòng Shiite tại Syria, Iraq và Yemen. Trong khi đó, chính quyền Tehran bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng Riyadh ủng hộ các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia hậu thuẫn cho phiến quân chiến đấu chống lại đồng minh của Iran là Tổng thống Syria al-Assad. Riyadh đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad "diệt chủng" và Iran là nước “chống lưng” cho chính quyền Syria. Trong khi đó, Tehran cáo buộc Riyadh hỗ trợ "khủng bố". Hiện Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết nhất trong yêu cầu đòi Tổng thống Syria al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ tăng cường chuyển vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Al-Assad.
Saudi Arabia cũng từng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) để chấm dứt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.
Quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng sau khi ngày 2/1/2015, Saudi Arabia xử tử 47 đối tượng bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia tại các nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số. Tại Iran, người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran để phản đối Riyadh tử hình 47 người, dẫn tới việc Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.
Các nhà phân tích lo ngại, sẽ là “đổ thêm dầu vào lửa” khi Saudi Arabia và Iran gia tăng đối đầu ở khu vực. Các hành động làm leo thang căng thẳng cần được kiềm chế tối đa khi hàng loạt các điểm nóng ở Trung Đông đang cần sự tham gia của cả Iran và Saudi Arabia trong vai trò trung gian hòa giải.
Theo T.Lâm- A. Phương
Pháp luật Việt Nam