1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(Dân trí) - Những năm gần đây, vai trò, sức mạnh và ảnh hưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) đang ngày càng tăng lên, trở thành khu vực phát triển năng động và quan trọng nhất thế giới; tuy nhiên, an ninh khu vực vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đó là nhận định của Đại tá Nguyễn Ánh Dương, thuộc Cơ quan Bộ Quốc phòng. Theo Đại tá Nguyễn Ánh Dương, tình hình an ninh khu vực CA-TBD hiện nay nổi lên một số vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, CA-TBD đã và đang là nơi hội tụ, giao thoa lợi ích chiến lược của tất cả các nước lớn. Sự can dự ngày càng sâu của các cường quốc vào CÁ-TBD đặt khu vực trước những cơ hội và thách thức an ninh mới.

Các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng phát triển và nắm giữ vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề an ninh khu vực.

An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh Nationalinterest)

An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh Nationalinterest)

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với các hoạt động tăng cường tiềm lực quân sự, đầu tư ngân sách quốc phòng hiện đại hóa Không quân và Hải quân, cũng như liên tiếp có những hành động gây sức ép về chủ quyền, lãnh thổ lên các nước trong khu vực tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông; đã gây lo ngại cho các nước láng giềng và làm cho Mỹ thay đổi chiến lược đối với khu vực CA-TBD.

Hoa Kỳ tự coi mình là một quốc gia trong khu vực, với chiến lược “tái cân bằng”, mong muốn can dự ngày càng sâu vào các vấn đề của khu vực.

Các cường quốc thế giới khác đều mong muốn tăng cường ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này của thế giới. Sự can dự ngày càng sâu của các cường quốc vào CA -TBD đặt khu vực trước những cơ hội và thách thức an ninh mới.

ASEAN vẫn tiếp tục giữ vững được đoàn kết, tăng cường hợp tác, quan hệ hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác. Các mối quan hệ này ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Với phương cách ASEAN, các nước thành viên đã vượt qua được nhiều khó khăn và bất đồng trên một số vấn đề để thống nhất quan điểm và hành động trên nhiều vấn đề quan trọng của an ninh khu vực.

Thứ hai, trong khu vực còn tồn tại không ít các điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Đặc biệt, việc tranh chấp chủ quyền nhất là các quyền lợi quốc gia trên biển đang trở thành vấn đề an ninh đặc biệt quan trọng trong khu vực”, Đại tá Nguyễn Ánh Dương cho hay.

Trong khu vực vẫn còn tồn tại không ít các điểm nóng do tranh chấp về lãnh thổ, do xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và ly khai có thể dẫn đến xung đột vũ trang bất cứ lúc nào, đã làm cho tình hình an ninh khu vực có lúc trở nên căng thẳng.

Đặc biệt, trong mấy năm gần đây các tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia khác trên biển giữa các nước trong khu vực có chiều hướng gia tăng cả về mức độ và phạm vi tranh chấp.

Tình hình tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Việc mở rộng và hợp thức hoá các yêu sách chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển mà tất cả các bên liên quan đều là thành viên đã làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Các hành động đơn phương như thành lập các đơn vị hành chính bao gồm các khu vực tranh chấp và không có tranh chấp, đơn phương cấm đánh bắt cá và ngăn cản các hoạt động bình thường của các quốc gia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển công nhận... đã làm cho các tranh chấp ngày càng mở rộng và khó giải quyết.

Theo Đại tá Nguyễn Ánh Dương, “Bên cạnh đó, sự cạnh tranh sức mạnh quân sự đang dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực, cùng với việc phổ biến vũ khí huỷ diệt lớnnhất là vũ khí hạt nhân diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.”

Sự cạnh tranh sức mạnh quân sự của các nước đã và đang dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

Năm 2013, chi tiêu quốc phòng của châu Á lần đầu tiên sẽ vượt qua châu Âu trong hơn nửa thiên niên kỷ qua. Nhìn chung, chỉ trong vòng vài năm qua hầu hết các nước châu Á đã gia tăng các chương trình hiện đại hóa quân sự của họ. Các toan tính chiến lược liên quan đến những thay đổi trong môi trường địa chính trị đóng vai trò lớn nhất trong việc tăng cường quân sự ở châu Á những năm vừa qua.

Các nước trong khu vực tiến hành điều chỉnh chiến lược và tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân đang làm cho khu vực CA-TBD trở thành nơi tập trung và phát triển sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, tạo nên nguy cơ va chạm và xung đột vũ trang ngày càng tăng.

Việc phổ biến vũ khí huỷ diệt lớn nhất là vũ khí hạt nhân ở khu vực, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.

Đại tá Nguyễn Ánh Dương cũng cho rằng: các vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực cũng có xu hướng gia tăng, ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nước.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống như: khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu... đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong khu vực CA-TBD và ngày càng có ảnh hưởng toàn cục và chiến lược hơn.

Vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, trái đất nóng lên nhanh chóng, nước biển dâng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thời tiết diễn biến xấu đi và thiên tai liên tiếp xảy ra đã trở thành những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của khu vực. Đông Á là khu vực chịu tác động nặng nề của nhiều thảm hoạ thiên nhiên như bão, lụt, sóng thần.

Hiện nay, tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, nhất là ở Đông Nam Á là một vấn đề rất nghiêm trọng; đó là các hoạt động vận chuyển ma tuý bất hợp pháp, rửa tiền, cướp biển, buôn lậu vũ khí, tội phạm máy tính, làm giả thẻ tín dụng… Khủng bố, cướp biển tuy đã bị kiềm chế nhưng vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn đối với tình hình an ninh khu vực.

Toàn cầu hoá kinh tế và sự phổ biến công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sẽ gây ra những thách thức an ninh mới đối với các chính phủ. Suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ đến kinh tế khu vực làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn nội bộ của một số nước.

Theo Đại tá Nguyễn Ánh Dương, hầu hết các vấn đề an ninh phi truyền thống đều mang tính xuyên quốc gia và vượt ra ngoài khả năng giải quyết của bất kỳ quốc gia nào, đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác của tất cả các nước trong khu vực và Cộng đồng quốc tế.


Nam Hằng