Tử vong vì uống chè dây Sapa
(Dân trí) - Được người thân đi du lịch Sapa về tặng “thảo dược” chè dây, ông T và người thân trong gia đình uống để giải nhiệt. Tuy nhiên sau vào ngày uống ông T xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, mệt....và trở nên hôn mê khi nhập viện.
Vàng da, tử vong sau uống chè dây
BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân 72 tuổi (Hải Phòng) được gia đình đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 24/7 trong tình trạng lơ mơ, hôn mê, có rối loạn chức năng gan nghiêm trọng và tan máu nặng.
Đáng nói, trước khi bị bệnh, bệnh nhân khỏe mạnh, không có tiền sử gì đặc biệt. Sau khi hội chẩn với chuyên khoa chống độc, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán bị ngộ độc thảo dược và được điều trị tích cực 2 ngày nhưng tình hình xấu đi, tình trạng tan máu dữ dội nên gia đình xin ngừng điều trị và bệnh nhân đã tử vong tại nhà.
Theo người nhà bệnh nhân, do có người thân đi Sapa về mua tặng một số chè dây. Cả nhà đã nấu chè dây và tất cả các thành viên khác trong gia đình đều uống. Tuy nhiên, ông cụ uống nhiều nhất. Sau vài ngày uống, những người khác không biểu hiện gì còn ông T có tình trạng vàng da, vàng mắt mệt lả đi. Tình trạng này ngày càng tăng và khi đưa đi viện thì đã hôn mê.
Theo BS Cấp, tình trạng người bệnh ngộ độc các thảo dược thiên nhiên này là khá phổ biến. Trước đó 1 tuần, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cũng tiếp nhận một trường hợp bị viêm gan B mãn tính đang điều trị ổn định thì bỏ thuốc tây y, nghe theo lời đồn dùng nấm lim xanh để chữa bệnh. Sau 3 tháng dừng điều trị theo liệu trình của bác sĩ để uống nấm lim xanh, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan trầm trọng và đã tử vong.
Thận trọng khi dùng thảo dược
Về trường hợp của bệnh nhân 72 tuổi tử vong sau uống chè dây Sapa, BS Cấp cho biết vị chè dây này cả trong đông y và tây y đều có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định công dụng của nó với các bệnh lý dạ dày – tá tràng. Tuy nhiên cũng như trong đông y, việc sử dụng thuốc phải có liều lượng và chỉ định. Trong khi đó, người dân luôn quan niệm đông y là thuốc không có độc tính nên sử dụng không quan tâm đến liều lượng, sử dụng bừa bãi rất nguy hiểm. Đặc biệt đông y còn phải phù hợp với từng người, không thể tùy tiện uống thoải mái vì có thể gây hại cho những cơ địa đặc biệt
“Trong tình huống này, chè dây lại được mua ở điểm du lịch bán trôi nổi, ngoài nguy cơ dùng bừa bãi, uống thoải mái không có liều lượng còn thêm nguy cơ uống nhầm lá không phải chè dây. Bởi khi công dụng được đồn thổi, người dân đổ xô đi thu hái, kể cả người không có kinh nghiệm cũng đi thu hái rất có thể dẫn đến hái nhầm cả các loại lá không phải chè dây. Chưa kể nguy cơ là hàng bán trôi nổi nên thậm chí có chất bảo quản gây hại...”, BS Cấp nhận định.
BS chuyên khoa II Nguyễn Quan Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cho biết, tại khoa ông, tình trạng ngộ độc thuốc nam do người bệnh bỏ điều trị về uống thuốc các thầy lang theo truyền miệng rất nhiều.
“Trong nhiều loại bệnh, thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả điều trị, trong đó có cả bệnh lý về gan. Tuy nhiên thuốc nam phải tinh khiết, phải là những bài thuốc y học cổ truyền được thừa nhận chứ không nên dùng thuốc nam trôi nổi trên thị trường theo lời đồn thổi của dân gian. Đặc biệt với viêm gan vi rút, không thuốc đông y nào tiêu diệt được vi rút mà chỉ mang tính bổ trợ, vì thế người bệnh không nên bỏ điều trị để uống thuốc nam trôi nổi rất nguy hiểm”, BS Tuấn cảnh báo.
Cùng quan điểm này, BS Cấp cho biết gặp khá nhiều trường hợp ngộ độc thảo dược để điều trị bệnh. Đặc biệt với các bệnh nhân viêm gan mạn tính do phải điều trị lâu dài nên người bệnh có tâm lý rất mệt mỏi, chán nản và bỏ điều trị tây y để điều trị bằng các loại thảo dược được đồn thổi, truyền miệng... theo kinh nghiệm của số ít người.
“Như với nấm lim xanh, đến nay tài liệu chính thống nào khẳng định nó có tác dụng thần diệu như lời đồn thổi của dân gian, chưa kể việc dùng nấm tươi, chưa qua tinh chế có thể có những chất không tốt với sức khỏe.
Hay như chè dây dù là vị thuốc quen dùng, thậm chí có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định hiệu quả của nó nhưng việc tự sử dụng với liều không phù hợp hoàn toàn có thể gây hại cho người dùng. Vì thế, dù điều trị theo đông hay tây y cần có liều lượng, sự kiểm soát của bác sĩ đông y, tây y chứ người dân không nên tự mua về dùng để tránh những nguy cơ đáng tiếc cho sức khỏe”, BS Cấp khuyến cáo.
Hồng Hải