Trẻ bị tiểu đường là do bà bầu thiếu vitamin B12?

(Dân trí) - Trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị thiếu vitamin B12 trong khi mang thai có thể có nguy cơ cao hơn phát triển bệnh tiểu đường týp 2 và các rối loạn chuyển hóa khác.

Mức vitamin B12 thấp trong thai kỳ có thể gây hại cho sức khỏe chuyển hóa của đứa con.
Mức vitamin B12 thấp trong thai kỳ có thể gây hại cho sức khỏe chuyển hóa của đứa con.

TS Ponusammy Saravanan, trường Y Đại học Warwick (Anh) cùng nhóm nghiên cứu đã trình bày những phát hiện sơ bộ của họ tại hội nghị thường niên của Hội Nội tiết Anh

Vitamin B12 là một vitamin tan trong nước có mặt tự nhiên trong các sản phẩm từ động vật, như sữa, trứng, pho mát, thịt, gia cầm và cá. Nó cũng có ở dạng bổ sung và được thêm vào một số sản phẩm không phải động vật, như ngũ cốc ăn sáng.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, vitamin B12 hỗ trợ nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm tạo hồng cầu, tổng hợp ADN, và chức năng thần kinh.

Khẩu phần vitamin B12 khuyến cáo hàng ngày cho người từ 14 tuổi trở lên là 2,4 microgam, tăng nhẹ lên 2,6 microgram đối với phụ nữ mang thai, và 2,8 microgram đối với người mẹ đang nuôi con bú.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phụ nữ có mức vitamin B12 thấp trong khi mang thai dễ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn và sinh con nhẹ cân với cholesterol cao.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy những em bé này có tính kháng insulin cao hơn, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường týp 2 ở trẻ.

Thiếu vitamin B12trong thai kỳ có thể làm nồng độ leptin ở đứa con

Nhóm nghiên cứu của TS Saravanan muốn xác định lxem iệu những quan sát từ trước này có liên quan với với leptin hay không. Leptin là một hoóc-môn do các tế bào mỡ sản xuất ra. Thường được gọi là "hoóc-môn no," leptin báo cho chúng ta biết khi nào cần ngừng ăn.

Nghiên cứu đã cho thấy thừa cân có thể làm tăng nồng độ leptin để đáp ứng với lượng thức ăn. Điều này có thể gây kháng leptin, dẫn đến càng ăn nhiều, tăng cân và kháng insulin, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường týp 2.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 91 mẫu máu lấy từ mẹ và con khi đẻ để xác định nồng độ vitamin B12. Ngoài ra, họ đã phân tích 42 mẫu mô mỡ của người mẹ và trẻ sơ sinh và 83 mẫu mô nhau thai.

Kết quả cho thấy trẻ sinh ra từ người mẹ bị thiếu vitamin B12 – được định nghĩa là dưới 150pcm/L – dễ có nồng độ leptin cao hơn bình thường, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường týp 2 và các rối loạn chuyển hóa khác.

Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng thiếu vitamin B12 ở phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến lập trình gen leptin, làm biến đổi sản sinh hoóc-môn trong quá trình phát triển của thai nhi.

"Môi trường dinh dưỡng được cung cấp bởi người mẹ có thể lập trình vĩnh viễn sức khỏe của em bé. Chúng tôi biết rằng trẻ em sinh ra từ người mẹ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa dinh dưỡng bị tăng nguy cơ của các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường týp 2, và thiếu hụt B12 ở mẹ có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo và đóng góp vào nguy cơ này. Đây là lý do tại sao chúng tôi quyết định nghiên cứu về leptin – hoóc-môn của tế bào mỡ", TS Ponusammy Saravanan nói

Các nhà nghiên cứu chưa thể chỉ ra cơ chế chính xác khiến cho thiếu vitamin B12 ở mẹ làm tăng nồng độ leptin ở con, nhưng họ có một số giả thuyết.

"Hoặc là B12 thấp khiến mỡ tích tụ trong bào thai, và điều này dẫn đến tăng leptin, hoặc B12 thấp thực sự gây ra thay đổi hóa học trong các gen nhau thai sản sinh leptin, khiến ho-óc môn nhiều hơn", TS Adaikala Antonysunil, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.

"Vì B12 tham gia vào các phản ứng methyl hóa trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến việc đóng mở các gen, nên chúng tôi nghĩ nhiều đến giả thuyết thứ hai" ông nói thêm.

Với nghiên cứu sâu hơn, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ chứng minh sự nghi ngờ của họ là đúng. Nếu phát hiện này được xác nhận, thì các khuyến cáo hiện nay về vitamin B12 trong khi mang thai có thể cần được xem xét lại.

Cẩm Tú

Theo MNT