Phẫu thuật thành công cho bé út Lục Thị Linh

Ca mổ cho cô út trong gia đình có 5 chị em có khối u khổng lồ trên mặt đã có lúc tưởng như bế tắc khi bên trong khối u la dịch thịt mùn nát, gây mất máu nhiều.

Bất ngờ, khó khăn và phức tạp

 

Tạm thời giới chuyên môn đã đưa ra kết luận: Đây là bệnh loạn sản xương hàm và răng, bệnh mang tính chất gia đình

 

Đúng 9h sáng, sau khi thực hiện gây mê, kíp mổ cho bé Linh bắt đầu phẫu thuật. Được cho đứng quan sát ca mổ qua tấm kính phòng kế bên, chúng tôi tận mắt chứng kiến những phút giây căng thẳng nhất của ca mổ mà các bác sĩ có mặt trong phòng phẫu thuật sau đó đều phải thốt lên: “Kinh khủng”.

 

Mất khoảng 15’ để bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo và hai đồng sự cùng khoa là bác sĩ Thanh và bác sĩ Quý rạch từ phía dưới hàm trên để lật khuôn mặt bên má phải của bé Linh tìm đến khối u. Khác với dự đoán ban đầu, trong khối u sẽ là dịch mủ nhưng thực tế là dịch mùn nát. Các tổ chức u đã xâm lấn quá rộng, ăn hết xương hàm trên, xoang. Khối u đã tạo thành các hang hốc, vách ngăn. Chưa hết, trong lòng khối u lại có xương được bao bọc bên ngoài bởi thịt mùn nát và các vách xương.

 

Đến 10h, Trưởng Khoa Phẫu thuật, bác sĩ Vân Anh, hỗ trợ ca phẫu thuật rời phòng mổ thông báo với chúng tôi: “Khối u của Linh rất hiếm gặp, có thể là lần đầu bắt gặp tại Bệnh viện K. Mất máu rất nhiều lại chưa thể xác định rõ nguồn gốc nên ít nhiều gây bất ngờ cho kíp mổ. Đã có thời điểm hết sức khó khăn nhưng út Linh đã vượt qua nguy hiểm”.

 

Bác sĩ Bảo đã vét sạch khối u là dịch thịt mùn nát, ước lượng khoảng 400g, hy vọng khối u của bé Linh không phát triển trở lại. Do mất máu quá nhiều, lại thể trạng còn nhỏ và yếu sợ không đáp ứng được ca mổ kéo dài, bác sĩ Bảo đã quyết định chỉ phẫu thuật má bên phải, nơi có khối u lớn.

 

10h50’, ca mổ kết thúc thành công. Theo bác sĩ Bảo, hiện tại khối u bên má trái còn nhỏ, lại chưa tàn phá nặng nên có thể chưa cần thiết phải phẫu thuật ngay, để chờ đến khi bệnh nhân phục hồi sức khỏe.

 

Bác sĩ Bảo cho biết, trong một vài ngày tới, bệnh viện sẽ có kết luận chính thức là u lành hay ác. Lúc đó, bác sĩ mới đưa ra các biện pháp điều trị phối hợp tiếp theo, chẳng hạn như dùng xạ trị khối u bên trái nếu có dấu hiệu phát triển.

 

Các chị của bé Linh – Phẫu thuật là mạo hiểm

 

Để đi đến quyết định phẫu thuật cho cô bé, các bác sĩ Bệnh viện K đã tiến hành hàng loạt các xét nghiệm, hội chẩn. Qua thực tế phẫu thuật bé Linh, tạm thời giới chuyên môn đã đưa ra kết luận: Đây là bệnh loạn sản xương hàm và răng. Về bản chất bệnh của Linh và các anh, chị em đều giống nhau, có khác chăng chỉ là mức độ to nhỏ của khối u. Bác sĩ Bảo nhìn nhận: “Sau ca mổ cho Linh, các bác sĩ của bệnh viện hiện chưa dám nghĩ đến việc sẽ phẫu thuật cho trường hợp thứ hai. Bởi vì bốn trường hợp còn lại, khối u rất to, mức độ nguy hiểm càng lớn. Nếu quyết định phẫu thuật là mạo hiểm”.

 

Theo bác sĩ Bảo, khối u trên mặt các bệnh nhân không phải u xương mà là tổ chức dịch mùn nên rất khó cầm máu. Trường hợp của bệnh nhân Linh tuy khối u nhỏ nhưng cũng mất khá nhiều máu, hơn nữa bệnh nhân vẫn còn hốc xương để có điểm cầm máu, các trường hợp còn lại nếu “tháo tung” khối u sẽ không có điểm cầm máu, do toàn bộ tổ chức là mùn nát.

 

Ngay sau ca mổ, Linh đã có thể ăn uống bình thường và một tuần sau là sức khỏe hồi phục gần như trước.

 

Với ông Quân, cha của những người con tật nguyền thì không có niềm vui nào có thể so sánh được sau khi ca mổ thành công, hy vọng con mình sẽ được trở lại cuộc sống bình thường.

 

Ông đã nghẹn ngào sau ca mổ: “Hy vọng cháu khỏi bệnh và có tương lai, thật không biết nói gì để cảm ơn tấm lòng, sự hảo tâm của bạn đọc Báo Người Lao Động cùng các bác sĩ”.

 

Theo Thế Dũng - Ngọc Dung

Người lao động