1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Khuẩn tả tăng độc lực làm bệnh cảnh nặng hơn

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu của Cục y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho thấy, vi khuẩn tả đang lưu hành ở nước ta từ năm 2007 đến nay có hiện tượng tăng độc lực, có khả năng gây bệnh cảnh lâm sàng mạnh hơn, tồn tại lâu hơn trong môi trường.

Khuẩn tả tăng độc lực làm bệnh cảnh nặng hơn - 1
Vi khuẩn tả đang tăng tính độc lực, có khả năng gây bệnh cảnh nặng hơn, tồn tại lâu hơn trong môi trường. Đây cũng là loại vi khuẩn gây ra vụ dịch tại Hà Nội hồi tháng 5/2009. Trong ảnh, bệnh nhân tả nằm la liệt tại bệnh viện các bệnh nhiệt đới Quốc gia khi dịch "bùng nổ" vào giữa tháng 5/2009. Ảnh: H.Hải

Theo đó, vi khuẩn tả gây bệnh được xác định là vi khuẩn V.cholerae nhóm O1, tuýp huyết thanh Ogawwa, tuýp sinh học Eltor biến đổi. Tức là vi khuẩn này có cấu trúc gien của chủng Eltor, nhưng lại mang gien độc lực của tuýp cổ điển, khiến nó tăng độc lực với khả năng gây bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn, có số người lành mang trùng và thời gian mang trùng nhiều và dài hơn, khả năng tồn tại lâu hơn trong môi trường.

Tại Việt Nam từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 69 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại 9 tỉnh thành là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bến Tre. Tuy vi khuẩn tả tăng độc lực nhưng đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong, trong khi đó tại một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia đã có nhiều trường hợp tử vong (vi khuẩn tả gây bệnh ở Việt Nam giống với chủng vi khuẩn tả gây bệnh tại Lào và Thái Lan.

Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng nhận định, hầu hết các ổ dịch tả xảy ra rải rác, lẻ tẻ không phùng phát thành các ổ dịch lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, không lan rộng trong cộng đồng. Tuy vậy, nước ta vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các ổ dịch tả tại các địa phương do sự giao lưu quốc tế, khu vực ngày càng gia tăng, thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, do sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý làm nước sinh hoạt…

Vì thế, theo Cục Y tế dự phòng, để phòng chống dịch tả, ngoài chỉ đạo quyết liệt công tác chống dịch, cần phối hợp truyền thông, hướng dẫn người dân phòng, chống bệnh tả, cải thiện tập quán sinh hoạt, ăn chín, uống sôi, tăng cường vệ sinh cá nhân, môi trường.

Hồng Hải