Cách phân biệt cảm cúm với cảm lạnh để tránh tốn thuốc, hại người

Đang là giao mùa xuân – hạ, thời tiết với độ ẩm cao rất thuận lợi cho virus các bệnh cảm cúm, cảm lạnh phát triển. Tuy nhiên, triệu chứng của cảm cúm thông thường và cảm lạnh khiến bạn dễ bị nhầm lẫn, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn. Dưới đây, các chuyên gia sẽ cho bạn lời khuyên.

Khi thấy sốt cao, đau nhức toàn thân cần đi viện khám để tránh nhầm lẫn cảm lạnh. Ảnh: N. Mai
Khi thấy sốt cao, đau nhức toàn thân cần đi viện khám để tránh nhầm lẫn cảm lạnh. Ảnh: N. Mai

Bệnh tăng nặng vì nhầm cảm cúm với cảm lạnh

Những ngày này, thời tiết chuyển mùa giữa xuân sang hạ, độ ẩm tăng cao khiến các loại virus gây bệnh cảm cúm, cảm lạnh phát triển. Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng người đến khám và nhập viện tăng vọt, nhất là trẻ nhỏ. Không ít người vào viện trong tình trạng bệnh nặng do nhầm giữa cảm cúm với cảm lạnh.

Chị Trần Mai Anh (ở Hải Phòng) cho biết, mấy hôm trước chị đi làm bị dính mưa. Về nhà bị chảy nước mũi, hắt hơi liên tục chị chủ động ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt và cảm cúm về uống nhưng vẫn không dứt được các triệu chứng. Tới ngày thứ 5, chị lại thấy sốt cao, đau ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều hơn. Quá lo lắng, gia đình đã đưa chị vào bệnh viện để kiểm tra. Qua thăm khám, các bác sỹ cho biết, chị bị cúm chứ không phải là cảm lạnh thông thường nên uống thuốc không điều trị dứt điểm được bệnh.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong vì chủ quan với bệnh cúm. ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, cảm cúm và cảm lạnh có những biểu hiện khá giống nhau như: Hắt hơi, ho, đau họng, sốt... nhưng đây là hai bệnh khác nhau. Bệnh cúm nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với chứng cảm lạnh.

Cảm cúm gây ra do virus cảm cúm, thường gặp vào mùa lạnh, giao mùa. Hiện có nhiều chủng cúm khác nhau như loại: A, B, C trong đó virus cúm A hoặc B thường gây bệnh cho người và lây lan rất nhanh. Một vài chủng cúm nguy hiểm như: Cúm A/H1N1, H5N1, H7N9 có khả năng gây tử vong cao. Tuy nhiên, những chủng cúm này hiếm khi lây từ người sang người.

Bệnh cúm thông thường chỉ diễn ra từ 1-2 tuần nhưng gây ra cho bệnh nhân rất nhiều mệt mỏi cho cơ thể, ảnh hưởng tới cuộc sống. Biểu hiện bệnh diễn tiến nhanh là ho, đau họng, đột ngột sốt cao 39- 40oC kèm theo rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, đau nhức mỏi toàn thân, đau cơ bắp và khớp. Bệnh cúm không điều trị kịp thời dễ biến chứng viêm phế quản, viêm phổi và nguy hiểm tính mạng.

PGS.TS Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh cúm có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân mắc cúm hay có diễn biến bệnh bất thường, không tự khỏi nếu là người có mắc bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh về phổi như hen phế quản, giãn phế quản... Đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai nếu mắc cúm dễ có nguy cơ diễn biến nặng hoặc biến chứng. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mắc cúm dễ có nguy cơ gây dị tật thai nhi. Sau mắc cúm, một số người có thể bị suy giảm sức đề kháng nên dễ bị các biến chứng do bội nhiễm thêm vi khuẩn như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang.

Trong khi đó, cảm lạnh là một bệnh về đường hô hấp nhẹ hơn cúm, thường do một số siêu vi thông thường đường hô hấp gây ra. Dấu hiệu đầu tiên thường là đau họng, có thể biến mất sau 1-2 ngày. Sau đó người bệnh có biểu hiện chảy nước mũi, tắc mũi, cộng với ho. So với cúm dịch, chứng cảm lạnh thông thường có diễn biến chậm hơn và không bị biến chứng vào phổi.

Điều trị đúng cách

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, điều trị cúm hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu mà chỉ là chữa triệu chứng (giảm hắt hơi, sổ mũi...) giảm đau nhức và ngăn chặn các biến chứng chứ không phải là thuốc điều trị bệnh. Việc sử dụng thuốc diệt virus phải được bác sĩ chỉ định tùy trường hợp, không được tự ý dùng.

Cúm nhẹ, mọi người có thể chữa trị ở nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước nóng, súc miệng nước muối. Nếu ho nhiều, tức ngực, khó thở cần đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời những diễn biến nặng có thể xảy ra. Khi bệnh cúm biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng lan rộng rất nguy hiểm đến tính mạng như chủng virus H1N1, H5N1 hiện nay.

Người bệnh cúm nên được cách ly, hạn chế giao tiếp để không lây lan bệnh cho người khác. Trường hợp sốt cao có thể chườm mát, hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Cần tránh dùng aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye (bệnh lý não, gan) nguy hiểm với bệnh nhân. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, không nên vận động quá mức sẽ giúp việc tự hồi phục nhanh hơn. Ngoài ra nên tiêm vaccine cúm hàng năm.

Với cảm lạnh, các chuyên gia y tế khuyên, người cảm lạnh ban đầu có thể điều trị bằng những thuốc thông mũi, viêm họng. Ngoài ra, một số bài thuốc Đông y hoặc các biện pháp điều trị dân gian như xông, đánh gió cũng có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Lá xông gồm lá sả, lá bưởi, lá hương nhu, kinh giới, ngải cứu... Những loại lá này có chứa các tinh dầu cay, nóng rất hữu hiệu để giải cảm.

Mọi người cần lưu ý không nên đun nước xông sôi quá 15 phút vì sẽ làm các chất tinh dầu bay hơi hết. Trong lúc xông, người bệnh nên thở chậm và sâu vì tác dụng chủ yếu khi xông là qua đường hô hấp. Khi thấy trong mình đã nhẹ bớt, hết cảm giác sợ lạnh, sợ gió nên ngừng xông dùng khăn khô lau mồ hôi, thay quần áo khô rồi nằm nghỉ. Mọi người cũng cần tránh không xông nhiều lần vì có thể gây ra nhiều mồ hôi dẫn tới cơ thể mất nước. Theo y học cổ truyền, khi cơ thể suy nhược dương khí yếu. Nếu bị cảm mà xông ra nhiều mồ hôi sẽ càng làm thoát khí dương ra ngoài, khiến cơ thể suy kiệt hơn. Sau khi xông nên ăn cháo nóng, thêm một ít rau thơm như tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi hay củ hành, tiêu. Cảm sẽ khỏi nhanh trong vài ba ngày.

Thời tiết hiện nay rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, để phòng tránh bệnh, mọi người cần nâng cao sức để kháng của cơ thể, bổ sung dinh dưỡng, tập luyện… chống lại các tác nhân gây bệnh. Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh. Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn >1m và mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp

Theo H.My – H.Dương

Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm