1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ trút bão lửa xuống Bắc Syria: Chơi bài ngửa

Các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 12 mục tiêu phiến quân IS trong chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria.

Đánh IS hay người Kurd?

Theo Reuters, ngày 26/11, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiến đấu cơ của họ vừa tiêu diệt được 12 mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), tuy nhiên, thêm một lính Thổ Nhĩ Kỳ lại mới thiệt mạng.

Các vụ không kích mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành nhằm hỗ trợ cho lực lượng phiến quân đối lập Syria đẩy lùi IS và các tay súng người Kurd ra khỏi khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, một binh lính của Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong trận giao tranh ở quận Anifah, miền bắc Syria.

Như vậy, số lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng khi tham gia chiến dịch Lá chắn Euphrates tại Syria đã nâng lên con số 18 người.

Chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ
Chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ

Trước đó, hôm 24/11, ba lính nước này đã tử trận do không kích mà Ankara cho rằng là từ máy bay của quân đội Syria.

Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại về việc căng thẳng sẽ leo thang trong một cuộc chiến đã vốn vô cùng phức tạp do rất nhiều lực lượng đang giao tranh.

Cùng ngày, một lãnh đạo đối lập Syria cho biết rằng, kể từ thời điểm bắt đầu chiến dịch Lá chắn Euphrates hồi tháng 8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sự hiện diện quân sự tại Syria.

Với lý do cuộc đụng độ giữa các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) và Quân đội Tự do Syria ngày càng ác liệt trong khu vực làng Azaz Chobanbey, Aktarin, thành phố Jarabulus và Al-Bab ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động thêm quân và vũ khí hạng nặng sang Syria.

Mở rộng ảnh hưởng tại Syria

Ông Zekeriya Abdulmecit, đại diện của Lực lượng Syria dân chủ (SDF, nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - YPG) đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng, chính quyền Erdogan đã cử thêm một nhóm 200 lính đặc nhiệm “mũ nồi tím” với vũ khí hạng nặng sang Syria.

Sau khi kiểm soát được thị trấn giáp biên Jarabulus, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực tỉnh Aleppo. Nhiệm vụ chính của họ là ngăn chặn chúng tôi (SDF) kiểm soát con đường dẫn từ Afrin đến Manbij - ông Abdulmecit nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo đối lập này cho biết, theo thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang ráo riết củng cố các vị trí mà họ đã chiếm đóng ở Syria và đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng căn cứ quân sự ở làng Aktarin và làng Edle, nằm giữa thị trấn Azaz và thị trấn Al-Bab.

Để phục vụ kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria trong khu vực các khu dân cư Aktarin và Edle, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động thêm lực lượng bổ sung vào vùng Aktarin, bố trí tại đây các quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm và một số xe tăng, xe thiết giáp.

Chiến dịch Lá chắn Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria bắt đầu từ ngày 24/8. Chính quyền Erdogan tuyên bố rằng, mục tiêu của các hoạt động này là nhằm mục đích xóa sổ các nhóm khủng bố trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và “duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.

Lộ rõ ý đồ

Nhà phân tích chính trị của Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo sư trường Đại học Damascus là ông Mehmet Yuva nhận định rằng, rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình quyết định tương lai chính trị của Syria, hoặc ít nhất đảm bảo cho các nhóm đối lập Syria nhận hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào quá trình này.

Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng gia tăng sự can thiệp vào lãnh thổ Syria khi đưa thêm xe tăng, pháo binh xuống phía nam (tiến sâu vào lãnh thổ Syria), đồng thời gia tăng các vụ không kích và nã pháo vào các vị trí của lực lượng dân quân người Kurd.

Hành động này đã bị các quan chức Syria tố cáo là hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đối lập mà chủ yếu là Quân đội Syria Tự do (FSA) đánh trả quân đội Syria và lực lượng người Kurd, nhằm giúp cho chúng đột phá qua vòng vây ở “chảo lửa Aleppo”.

Quatar độc lập với Mỹ

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/11 bộ trưởng ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani được dẫn lời cho hay: Doha vẫn sẽ hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad dù Mỹ có thể sẽ không còn liên minh với họ.

Tuy nhiên, ông al-Thani từ chối chuyển giao tên lửa phòng không vác vai cho phe nổi dậy bắn máy bay Syria và Nga. Theo đó, những thiết bị bắn máy bay sẽ được chính phủ Qatar xem xét cẩn thận trước khi chuyển đến tay các nhóm chiến binh ở Syria.

Một số giới chức Washington quan ngại phía nổi dậy Syria có thể lợi dụng thứ vũ khí này và tấn công các máy bay của phương Tây.

Qatar vốn là nước đi đầu trong chiến dịch lật đổ tổng thống Assad cùng với các đồng minh Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây. Các nước này cùng nhau thiết lập chương trình viện trợ vũ trang cho các nhóm chiến đấu tương đối ôn hòa ở Syria.

''Việc hỗ trợ vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ không dừng lại. Không có nghĩa rằng nếu thành phố Aleppo (thành phố lớn thứ hai của Syria ) thất thủ chúng tôi sẽ bỏ ngoài tai những lời thỉnh cầu của dân chúng Syria'', ông al-Thani cho biết.

Theo Trung Đức

Đất Việt