1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng trăm phụ nữ miền núi “biến mất”: Dễ như… đi Trung Quốc!

(Dân trí) - Những người phụ nữ Thái, Khơ Mú ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) bỗng dưng biến mất khỏi địa phương. Họ âm thầm ra đi mang theo giấc mơ đổi đời ở một đất nước xa lạ nhưng rồi phải nhận trái đắng vì sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của mình.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tương Dương (Nghệ An), hiện trên địa bàn huyện có 291 phụ nữ rời khỏi địa bàn không rõ lí do, nằm trong nguy cơ không an toàn. Trong đó có 173 phụ nữ hiện đang ở Trung Quốc. Tất cả số phụ nữ này đều đi sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp, đối mặt với nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn mua bán người.

Một góc bản Ang (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An) - nơi theo thống kê sơ bộ có khoảng 30 phụ nữ hiện không có mặt tại địa phương, không rõ đi đâu
Một góc bản Ang (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An) - nơi theo thống kê sơ bộ có khoảng 30 phụ nữ hiện không có mặt tại địa phương, không rõ đi đâu

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo và thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng phụ nữ (đã có chồng hoặc chưa lập gia đình) vẫn trốn sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Gần 7 năm qua, vợ chồng ông Lộc Văn N. và bà Lương Thị M. (bản Lở, xã Xá Lượng,Tương Dương) vẫn đau đáu tin tức về cô con gái Lộc Thị K. (SN 1998). K. biến mất khỏi nhà sau một lần giận dỗi bố, khi đó cô bé đang học lớp 7. Đi tìm con, vợ chồng ông N. chỉ biết thông tin láng máng là K. đã theo bạn đi Trung Quốc làm ăn. Trung Quốc rộng lớn như vậy, biết con ở đâu mà tìm?

“Giờ cũng không biết cháu K. ở đâu, còn sống hay không?”, ông Lương Văn Lợi, Trưởng bản Lở thở dài.

Hồi tháng 12/2017, Công an tỉnh Nghệ An và tổ chức quốc tế Rồng Xanh đã giải cứu thành công 4 phụ nữ và trẻ em gái bị bán sang Trung Quốc. Trong 4 nạn nhân có hai mẹ con chị Lương Thị S. (SN 1982) và Lương Thị T. (SN 2001), trú tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương.

Bà Lô Thị Bảo - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Ang thông tin với PV về tình trạng phụ nữ trong bản rời địa bàn đi Trung Quốc làm ăn
Bà Lô Thị Bảo - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Ang thông tin với PV về tình trạng phụ nữ trong bản rời địa bàn đi Trung Quốc làm ăn

Cả 4 nạn nhân này được một người đàn ông hứa đưa sang Trung Quốc làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Khi sang đến nơi, họ được bố trí làm việc ở một xưởng gia công cơ khí. Gần nửa năm sau, các nạn nhân bị một nhóm thanh niên bắt nhốt vào phòng kín và ép tiếp khách. Nhóm phụ nữ này đã tìm cách trốn thoát khỏi động quỷ, được giúp đỡ đưa về Việt Nam .

Theo nhẩm tính của bà Lô Thị Bảo – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Ang (xã Xá Lượng) thời điểm này có khoảng gần 30 phụ nữ không có mặt tại địa phương. Trong đó có 10 người đã có gia đình, còn lại là chưa lấy chồng. “So với các bản khác là không nhiều bằng đâu. Họ đi không báo, không cắt khẩu ở địa phương nên mình không biết được. Tìm hiểu từ người nhà thì biết là họ đi Trung Quốc làm công ty chứ mình không biết được cụ thể. Có người không có tin tức gì, có người thì đầu năm đi, cuối năm về”, bà Bảo cho hay.

Năm 2012, Quang Thị May X. (SN 1997) - cô con gái của bà Lương Thị M. (bản Ang) bỗng dưng “biến mất”. Sau gần 5 năm không có liên lạc, đầu năm 2017, bà M. nhận được điện thoại của cô con gái. Qua điện thoại cô này cho biết, hiện đang sống ở Trung Quốc, đã lấy chồng và sinh được 2 đứa con.

Bà Lương Thị M. nói chuyện với cô con gái hiện đã lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc thông qua ứng dụng trên điện thoại
Bà Lương Thị M. nói chuyện với cô con gái hiện đã lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc thông qua ứng dụng trên điện thoại

“Cháu nó báo là lấy chồng bên ấy rồi. Nhà chồng nhốt lại, không cho ra ngoài nên không liên lạc về nhà được. Sau khi sinh được 2 đứa con, nói được tiếng bên đó mới được nhà chồng cho ra ngoài đi chợ. Khi đó mới mua được điện thoại, tìm được zalo của chị gái gọi về đó. Mấy năm không có tung tích, có lúc tôi nghĩ không được gặp con nữa. Khi nhận được điện thoại, biết con còn sống, mừng chảy nước mắt”, bà M. chia sẻ.

Quang Thị May H. (bản Ang) mới 18 tuổi nhưng sắp là mẹ của 2 đứa con. 15 tuổi, H. theo chúng bạn sang Trung Quốc tìm việc làm. “Mỗi người đóng 5-10 triệu đồng cho người dẫn đường. Đi ô tô ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi đi đường rừng sang Trung Quốc. Muốn sang Trung Quốc phải trèo qua một bức tường cao lắm. Em được đưa vào sâu trong tỉnh Quảng Châu, làm việc cho một xưởng sản xuất đồ lót. Mỗi tháng được trả 5 nghìn nhân dân tệ, tính ra là khoảng 15 triệu đồng tiền Việt”.

15 tuổi, Quang Thị May H. theo bạn bè sang Trung Quốc làm việc. Dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ do là lao động bất hợp pháp nhưng với mức thu nhập bằng cả năm làm rẫy, H. và nhiều cô gái trẻ ở huyện miền núi Tương Dương vẫn tìm cách trốn sang Trung Quốc tìm cơ hội đổi đời
15 tuổi, Quang Thị May H. theo bạn bè sang Trung Quốc làm việc. Dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ do là lao động bất hợp pháp nhưng với mức thu nhập bằng cả năm làm rẫy, H. và nhiều cô gái trẻ ở huyện miền núi Tương Dương vẫn tìm cách trốn sang Trung Quốc tìm cơ hội đổi đời

Đối với một cô gái chưa học xong cấp 2 như H. thì mức thu nhập đó quả thật là đáng mơ ước. Không khó để hiểu vì sao có nhiều cô gái sẵn sàng chấp nhận rủi ro để sang đây kiếm tiền. Nhưng việc kiếm tiền không hề đơn giản như H. và các cô gái ở đây vẫn mơ tưởng.

“Không có giấy tờ nên có công an đến kiểm tra là phải trốn, nếu để bị bắt là bị nhốt rồi trục xuất về Việt Nam, mất cả tiền lương. Ông chủ thuê nhà cho công nhân người Việt Nam, cứ 14-15 người ở chung 1 nhà nhỏ, ẩm thấp, chỉ có 1 cái nhà tắm và 1 cái nhà vệ sinh thôi. Việc ở thì chật chội vất vả nhưng công việc không quá nặng nhọc, chi phí ăn uống không đắt đỏ nên vẫn có tiền để dành”, Quang Thị May H. nói tiếp.

Bị công an sở tại kiểm tra, truy quét, thường xuyên phải chạy trốn nhưng H. chỉ chịu quay về Việt Nam khi mang bầu đứa con đầu. Lúc đó H. mới bước qua tuổi 16. Nhiều người bạn của H. vẫn đang ở bên đó, chấp nhận nguy hiểm và cuộc sống chui lủi để kiếm tiền.

Nhiều phụ nữ miền núi nhẹ dạ, cả tin vào những lời hứa việc nhẹ, lương cao, cuộc sống sung sướng sẵn sàng đi Trung Quốc để làm việc mà không biết rằng mình có nguy cơ bị bán làm vợ hoặc bị bán vào động mại dâm
Nhiều phụ nữ miền núi nhẹ dạ, cả tin vào những lời hứa việc nhẹ, lương cao, cuộc sống sung sướng sẵn sàng đi Trung Quốc để làm việc mà không biết rằng mình có nguy cơ bị bán làm vợ hoặc bị bán vào động mại dâm

“Nhiều phụ nữ bị lôi kéo dụ dỗ đi sang Trung Quốc làm việc với những hứa hẹn công việc nhàn nhã, thu nhập cao hoặc lấy chồng bên đó sẽ có cuộc sống sung sướng. Người may mắn thì tìm được công việc có thu nhập nhưng do đi bằng con đường bất hợp pháp nên phải đối mặt với nhiều rủi ro. Người không may thì bị bán làm vợ, bán vào các động chứa, phải chịu cuộc sống tủi nhục.

Nguy hiểm hơn là nhiều nạn nhân của nạn mua bán người sau đó lại quay trở về địa phương, tiếp tục lôi kéo, dụ dỗ người khác đi Trung Quốc, gây ra nhiều bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn”, Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết.

Hoàng Lam

(Còn nữa)