Bình Định: 19 chủ tàu vỏ thép hư hỏng yêu cầu đền bù gần 37 tỷ đồng
(Dân trí) - Ngày 30/11, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cùng các đơn vị liên quan họp các chủ tàu và đại diện 2 cơ sở đóng tàu: Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để bàn phương án đền bù, hỗ trợ chi phí trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, có 19 tàu đề nghị hỗ trợ với tổng số tiền hơn 36,9 tỷ đồng. Trong đó, TP Quy Nhơn: 2 tàu với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng; huyện Phù Cát: 7 tàu (hơn 10 tỷ đồng); huyện Phù Mỹ: 4 tàu (hơn 2,7 tỷ đồng) và huyện Hoài Nhơn: 6 tàu (hơn 17 tỷ đồng).
Cụ thể, chi phí theo loại thiệt hại gồm: chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị (13 tàu): số tiền là hơn 6,7 tỷ đồng; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả (11 tàu); gần 4 tỷ đồng); thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển (2 tàu): 200 triệu đồng; bị hư hỏng thủy sản (1 tàu): hơn 386 triệu đồng; chi phí sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu sửa chữa (6 tàu): hơn 250 triệu đồng; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ sửa chữa không khai thác được (11 tàu): hơn 9,4 tỷ đồng; thuê thuyền viên trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa (9 tàu): hơn 3,8 tỷ đồng; nợ gốc, lãi ngân hàng (12 tàu): gần 9 tỷ đồng; hỗ trợ nhiên liệu theo quyết định 48 (7 tàu): 2,9 tỷ đồng; trả lại tiền phí thiết kế tàu (5 tàu): 250 triệu đồng.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, trong 19 tàu hư hỏng sửa chữa nêu trên có 17 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng với số tiền hơn 17 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc hơn 8 tỷ đồng và lãi hơn 9,8 tỷ đồng.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng kiến nghị hai công ty đóng tàu và chủ tàu xem xét thống nhất các thiệt hại trong quá trình tàu nằm bờ sửa chữa như: trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa, trả nợ cho ngân hàng, trả tiền phí thiết kế tàu. Chi phí chủ tàu tàu tự khắc phục, sửa chữa và mua thêm trang thiết bị sau khi nhận tàu để thống nhất kinh phí hỗ trợ cho chủ tàu theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.
Trả lời kiến nghị của ngư dân tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu cam kết đến cuối tháng 12/2017, sẽ hoàn thành sửa chữa để bàn giao tàu cho ngư dân ra khơi. Đồng thời, lãnh đạo Công ty Nam Triệu sẽ họp bàn để thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ các khoản chi phí tổn thất của các chủ tàu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng, qua sự việc này, Công ty bị ảnh hưởng uy tín rất lớn, điều này làm thiệt hại nặng nề nên sẽ không đền bù các khoản chi phí mà các chủ tàu yêu cầu. Điều này làm các ngư dân bức xúc.
“Công ty Đại Nguyên Dương nói như vậy là không hợp lý, nếu không do lỗi của công ty thì tàu chúng tôi đâu phải nằm bờ, ngư dân đâu chịu lỗ. Nếu giải quyết không xong thì tôi sẽ trả lại tàu, chứ ngư dân chúng tôi làm gì có tiền, thời gian để theo hầu kiện. Tôi cũng yêu cầu công ty phải đưa ra một ngày bàn giao tàu cụ thể. Trước khi bàn giao tàu, công ty phải giải quyết đền bù cho ngư dân chúng tôi”, ngư dân Lê Văn Thãi bức xúc nói.
Tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định đã phân tích một số vấn đề ngư dân và hai công ty làm rõ để đi đến thống nhất phương án đền bù hoặc hỗ trợ những khoản chi phí khi tàu nằm bờ sửa chữa.
“Sau cuộc họp này, đề nghị các chủ tàu liệt kê lại toàn bộ phần kinh phí đền bù hoặc hỗ trợ gửi gấp cho phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp để gửi Sở Nông nghiệp. Nếu chúng ta làm gấp thì ngay ngày mai (1/12), Sở sẽ có văn bản chính thức gửi cho 2 công ty, báo cáo UBND tỉnh Bình Định và Bộ NN&PTNT. Sau này, nếu giữa 2 công ty và bà con không đi đến thỏa thuận đền bù và hỗ trợ thì sẽ đưa ra tòa kinh tế”- ông Hổ cho hay.
Doãn Công