Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Dừng đột ngột trên đường cao tốc, ô tô con bị đâm vỡ nát, xoay 180 độ

Nhật Minh

(Dân trí) - Hiện chưa rõ nguyên nhân chiếc ô tô con dừng đột ngột ở làn đường cho phép xe chạy với tốc độ cao nhất trong điều kiện thời tiết mưa gió.

Tai nạn nghiêm trọng này xảy ra hôm 4/8 ở làn ngoài cùng bên trái, nơi cho phép ô tô chạy với tốc độ lên tới 90-100km/h của đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Hình ảnh do camera an ninh của một nhà bên đường ghi lại cho thấy chiếc Hyundai Grand i10 đang di chuyển tốc độ cao đã bất ngờ dừng lại, khiến xe tải phía sau không kịp tránh, đâm thẳng vào đuôi, xô xe con đi một đoạn.

Chiếc ô tô con bị xe tải đâm xoay 180 độ, vỡ nát (Video: Otofun).

Dừng đột ngột trên đường cao tốc, ô tô con bị đâm vỡ nát, xoay 180 độ - 1

Cú va chạm đã khiến ô tô con xoay 180 độ trên đường, nổ lốp, vỡ nát và móp méo nhiều bộ phận trên thân xe (Ảnh: Otofun).

Dừng đột ngột trên đường cao tốc, ô tô con bị đâm vỡ nát, xoay 180 độ - 2

Không rõ tình trạng sức khỏe của người ngồi trên chiếc Hyundai Grand i10 sau pha va chạm (Ảnh: Otofun).

"Khả năng là có xích mích gì trước đó nên xe trắng chạy lên trước và chặn đầu xe tải, chứ chỉ có muốn tự sát mới dừng xe kiểu đấy thôi", tài khoản Thành Vũ nêu ý kiến sau khi xem các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Xe con đang chạy nhanh mà thắng đứng kiểu đó thì ai xử lý kịp. Cũng qua đây các anh em lái xe nên chú ý giữ khoảng cách tối thiểu không được 35-50m như quy định, do bị xe khác "điền vào chỗ trống", thì cũng phải 15-20m, lỡ không may có sự cố khẩn cấp thì cũng còn khoảng trống để xử lý", tài khoản Trần Trọng bình luận.

Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng ô tô con bị tạt nước vào kính chắn gió phía trước, khiến tài xế rơi vào tình trạng "mù tạm thời" nên mới phải đạp phanh đột ngột như vậy.

"Khi trời mưa nói chung, các xe, đặc biệt là xe nhỏ, nên chạy ở làn giữa hoặc tim đường, không nên chạy ở làn ngoài cùng bên trái vì hay có nước đọng, dễ bị tạt nước gây ảnh hưởng tầm quan sát của tài xế, hoặc rơi vào tình trạng "trượt nước" khi xe phóng nhanh qua vùng đọng nước", tài khoản Vũ Hoàng bình luận.

Quy định pháp luật về khoảng cách an toàn

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe.

Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông cụ thể như sau (trong điều kiện đường sá khô ráo):

Dừng đột ngột trên đường cao tốc, ô tô con bị đâm vỡ nát, xoay 180 độ - 3

Trên một số đường cao tốc có sẵn các tấm biển ghi 0m, 50m, 100m hoặc 70m, 140m… chính là để giúp tài xế căn khoảng cách với xe phía trước dễ hơn.

Ngoài việc chú ý giữ khoảng cách an toàn, khi lái xe nói chung và lái xe trên đường cao tốc nói riêng, bạn còn cần luôn tập trung chú ý quan sát để có thể kịp thời xử lý tình huống bất ngờ.

Kinh nghiệm thực tế

Quy tắc 3 giây được khuyến cáo dùng để tính khoảng cách an toàn khi lái xe trên đường cao tốc, vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường… 

Bản chất của quy tắc 3 giây là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm.

Để xác định cự ly "3 giây", bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm "cột mốc"; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe phía trước vượt qua "cột mốc", bạn hãy đếm 1... 2... 3… theo nhịp đúng 3 giây.

Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng "cột mốc" thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới "cột mốc", thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, trời khô ráo, tầm nhìn thoáng... Trong điều kiện trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế thì phải tăng lên thành 6 giây, tức giữ khoảng cách với xe phía trước gấp đôi so với thông thường.