Dùng vỏ sò đuổi bắt loài cá đặc sản của lòng hồ Trị An
Cá bống cát vốn được xem là một trong những loài cá đặc sản của lòng hồ Trị An. Được thiên nhiên ưu đãi giúp cho loài cá này sinh trưởng, phát triển rất nhiều. Từ đó, nghề đánh bắt cá bống cát đã hình thành và duy trì đến nay.
Nghề đánh bắt cá bống cát diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào mùa nước cạn. Dù công việc cực nhọc vì phải dãi nắng, dầm mưa ngoài khơi, thậm chí phải ngâm mình hàng giờ dưới nước lạnh để gỡ lưới, gom bắt cá… nhưng nghề này đã tạo công ăn, việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống cho hàng chục hộ ngư dân sinh sống trên lòng hồ Trị An.
Đuổi bắt loài bống cát
6 giờ sáng, bà Lê Thị Kim Thủy cùng chồng và con trai (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, H.Định Quán) đã có mặt ngoài lòng hồ Trị An để chuẩn bị ngày mới đánh bắt cá bống cát. Địa điểm mà gia đình bà Thủy chọn đánh bắt cá là khu vực gần Bến cá Phú Cường (xã Phú Cường, H.Định Quán).
Ông Nguyễn Văn Tuấn (kiểm lâm viên Tổ Kiểm lâm cơ động hồ Trị An, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết, ngoài cá bống cát, hồ Trị An còn có thêm loại cá bống dừa mới xuất hiện khoảng 1 năm nay. Loài cá này lớn hơn gấp nhiều lần so với cá bống cát, ăn khỏe và sinh sản, phát triển mạnh ở hồ Trị An. Cá bống dừa hiện đang có giá 50 ngàn đồng/kg.
Sau khi quan sát kỹ mặt hồ để phán đoán xem khu vực nào khả năng có nhiều cá bống, gia đình bà Thủy mới bắt đầu thả mẻ lưới đầu tiên. Họ đã sử dụng vỏ sò (đã đan sẵn vào sợi dây dài) thả xuống nước để lùa đuổi cá bống cát vào lưới. Hiểu được sự tò mò của chúng tôi, bà Thủy giải thích, giống cá bống cát thường sống theo đàn ở tầng đáy vùng nước, hễ nhìn thấy ngao, sò, ốc, hến là chúng chạy tán loạn. Lợi dụng nhược điểm này, ngư dân đã từ lâu nghĩ ra cách đục lỗ vỏ con sò rồi xỏ vào dây, tạo thành dây sò dài chừng 100m rồi thả dây sò xuống nước theo hình vòng cung. Sau đó, dùng tay giật cho dây sò rung lắc tạo tiếng kêu để lùa cá bống chạy vào lưới mà bắt.
"Cá bống sống ở dưới đáy hồ nơi vùng có nhiều sỏi, cát và khi nghe tiếng vỏ sò sẽ khiến chúng sợ và chạy vào lưới bao quây xung quanh. Tuy nhiên, loài này di chuyển chậm trong nước, đòi hỏi người đánh bắt cá bống phải có kinh nghiệm, đặc biệt phải kiên trì, chịu khó. Ai nóng vội thì không thể đi đánh cá bống được, vì cá sẽ không vào lưới" - bà Thủy chia sẻ.
Nghề đánh bắt cá bống rất vất vả vì phải bơi, lặn, ngâm mình hàng giờ dưới nước lạnh để gỡ lưới, thu gom bắt cá. Ảnh: T.Nhân
Sau khoảng 20 phút lùa cá bống vào lưới, người con trai của bà Thủy bắt đầu cầm sợi ống nhựa thở oxy ngậm vào miệng rồi rời thuyền để lặn xuống dòng nước sâu tháo gỡ những vật vướng vào lưới (gốc cây, hòn đá ngầm…) và thu gom lưới cá. Ở trên ghe, vợ chồng bà Thủy hỗ trợ nhau cùng kéo lưới lên. Mẻ lưới thu hoạch đầu tiên của gia đình không được nhiều, chỉ khoảng 1kg cá bống cát. Ngoài ra, trong lưới còn dính thêm một số loài cá khác như: lau kiếng, bống dừa, rô phi…
Trong lúc ngồi nghỉ ngơi để chuẩn bị thả mẻ lưới tiếp theo, bà Thủy cho biết, gia đình bà gắn bó với nghề đánh bắt cá bống cát đã hơn 13 năm nay. Trước đây, cá bống cát ở hồ Trị An rất nhiều, mỗi ngày gia đình bà có thể bắt từ 15-20kg cá. Tuy nhiên, số lượng người tham gia đánh bắt cá bống trong những năm gần đây ngày càng tăng nên sản lượng cá thu hoạch được cũng đã giảm đi đáng kể.
"Hôm nào may mắn gặp được luồng cá lớn thì gia đình bắt được từ 10kg trở lên, sau khi trừ mọi chi phí còn lời từ 500-600 ngàn đồng. Còn hôm nào bắt ít cá, từ 4-6 kg thì chỉ thu lời từ 200-300 ngàn đồng... Tuy nhiên, bù qua sớt lại, nghề này tương đối ổn định, giúp cho gia đình có công việc đảm bảo, cuộc sống tốt hơn nhiều so với trước đây" - bà Thủy bộc bạch.
Nhọc nhằn mưu sinh
Cách chỗ gia đình bà Thủy đánh bắt cá khoảng 300m là nơi của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, H.Định Quán) cũng đang hì hụi kéo lưới đánh bắt cá bống cát. Vợ chồng ông Hoàng may mắn gặp được luồng cá lớn nên sau 2 lần kéo lưới đã gom bắt được khoảng 5kg cá tươi ngon. Dự định đến 11 giờ trưa, vợ chồng ông cố gắng thả thêm 4 mẻ lưới nữa với hy vọng thu hoạch được hơn 10kg cá để tăng thu nhập cho gia đình.
Cá bống cát ở dưới hồ Trị An vừa được ngư dân kéo lưới bắt còn tươi ngon. Ảnh: T.Nhân
Theo ông Hoàng, công việc đánh bắt cá bống rất vất vả và không phải ai làm cũng được. Những người theo làm nghề này phải đảm bảo sức khỏe tốt, vì phải dãi nắng, dầm mưa nhiều tiếng đồng hồ ở ngoài trời, thậm chí phải bơi, lặn sâu dưới nước lạnh để gỡ lưới, thu gom cá…
"Nhiều khi mình lặn xuống đáy, quan sát không kỹ dẫn đến va, đập phải gốc cây hay mẻ chai nhọn, gây thủng chân, chảy máu. Cực khổ là vậy nhưng dù sao công việc cũng đã quen rồi, hơn nữa nghề này đã mang lại nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình" - ông Hoàng tâm sự.
Gia đình ông Hoàng là Việt kiều Campuchia và hồi hương về lòng hồ Trị An lập nghiệp mưu sinh từ năm 2005. Trở về nước với bàn tay trắng, thời gian đầu, vợ chồng ông đã cố gắng đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2010, hai vợ chồng quyết định dùng số tiền dành dụm được để mua thuyền và ngư cụ làm nghề đánh bắt cá bống.
Ông Hoàng tâm sự: "Dù công việc đôi lúc cũng trải qua những thử thách nhưng gia đình tôi cố gắng vượt qua và duy trì nghề đánh bắt cá bống cho đến nay đã hơn 12 năm. Nghề này tuy cực nhọc, vất vả nhưng đã giúp kinh tế gia đình tốt hơn rất nhiều, có điều kiện để nâng chất lượng cuộc sống và lo cho các con ăn học".
Cá bống cát ở dưới hồ Trị An vừa được ngư dân kéo lưới bắt còn tươi ngon. Ảnh: T.Nhân
Là người làm nhiệm vụ trên hồ Trị An suốt 26 năm, ông Nguyễn Văn Tuấn (kiểm lâm viên Tổ Kiểm lâm cơ động hồ Trị An, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) nắm rất rõ thuộc tính của các loài cá cũng như các loại nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân trên lòng hồ. Ông Tuấn cho biết, cá bống cát là một trong những loài đặc sản quý và có ở hồ Trị An từ rất lâu (hơn 15 năm). Loài cá này chủ yếu sống tập trung ở khu vực bến cá Phú Cường, vì nơi đây có nhiều bãi sỏi, cát và trở thành môi trường lý tưởng cho loài này sinh trưởng, phát triển.
Hiện nay, trên hồ Trị An có khoảng 30 hộ ngư dân làm nghề đánh bắt cá bống cát. Nghề này có thể diễn ra quanh năm, tuy nhiên vụ chính tập trung vào mùa nước cạn (khoảng từ cuối năm trước đến nửa đầu năm sau). Còn khi vào mùa mưa, nước lòng hồ dâng cao thì sản lượng đánh bắt cá bống cát ít hơn.
"Cá bống cát trưởng thành to khoảng bằng đầu chiếc đũa, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại côn trùng nhỏ ở dưới tầng đáy hồ Trị An. Vào thời điểm khan hiếm, giá cá bống cát có thể tăng cao từ 80-100 ngàn đồng/kg, còn giá cả ổn định trung bình từ 40-60 ngàn đồng/kg. Hiện cá bống cát đang có giá 60 ngàn đồng/kg. Nghề đánh bắt cá bống đã giúp nhiều hộ dân trên lòng hồ có công ăn việc làm, để từ đó vượt khó và vươn lên ổn định cuộc sống" - ông Tuấn chia sẻ.
Những món ngon hấp dẫn từ đặc sản cá bống cát
Cá bống cát được xem là loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng. Cá bống cát có thịt mềm, ngọt và có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon được nhiều người ưa thích như: kho tộ, kho tiêu, chiên mắm, chiên bột, nấu canh chua…