An toàn lao động: Tăng cường huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 38.000 người lao động
(Dân trí) - “Giai đoạn năm 2016 - 2018, số tiền chi khám giám định thương tật bình quân là hơn 1,9 tỷ đồng/năm, chi trợ cấp bình quân là gần 148 tỷ đồng/năm…Riêng năm 2018, Cục đã phê duyệt hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc gần 43 tỷ đồng”.
Đây là một số kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, được Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) công bố tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc khi triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động, hôm 19/9 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động - đánh giá, sau 3 năm triển khai, Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chính sách và chế độ của người bị tai nạn lao động (TNLĐ) đã được quan tâm và mở rộng hơn.
Cũng sau 3 năm triển khai, cơ quan chức năng đã chi hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN trong năm 2018 là 200 triệu đồng; năm 2017 phê duyệt hỗ trợ kinh phí huấn luyện từ nguồn của bảo hiểm xã hội VN là hơn 96 tỷ đồng cho 38.276 người…
“Nhiều chính sách mới được cập nhật, như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc, khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội TNLĐ, BNN” - ông Hà Tất Thắng cho biết.
Đặc biệt, việc mở rộng tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được chú trọng. Các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc cũng được ưu tiên hơn.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định liên quan, gồm: Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định 44/2017/NĐ-CP về điều chỉnh giảm mức đóng.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc và đã hướng dẫn, tổng hợp và giao kế hoạch kinh phí cho các địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ năm 2017 theo quy định.
Bên cạnh những thuận lợi, sau 3 năm triển khai thực hiện Luật, cơ quan chức năng cũng ghi nhận nhiều phản ánh, như: Hoạt động hỗ trợ điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được quy định rõ ràng, cụ thể; vướng mắc về mức hỗ trợ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động không có quy định cụ thể dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.
Trong khi đó, mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách giữa.
Bên cạnh đó, năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019, nhằm bám sát với thực tế hơn.
Nhiều góp ý về chính sách ATVSLĐ
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị đối với các cơ quan trung ương để thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ., như: Đề nghị thống nhất quy định đánh giá quan trắc môi trường lao động và đánh giá quan trắc môi trường do Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường, nhằm tránh trùng lắp; nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…
P.M