1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TS Trần Đình Thiên: Đã đành đi sau Trung Quốc, nhưng đừng "đi theo"

(Dân trí) - "Ta đi sau Trung Quốc đã đành nhưng bi kịch ở chỗ, ta lại đi theo Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn". Do vậy, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, để cải cách thể chế một cách hiệu quả, Việt Nam cần phải sàng lọc những kinh nghiệm từ thế giới chứ không phải "khuân" về cả những mặt xấu và mặt trái.

Đưa ra bình luận tại Hội thảo "Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường: Những vấn đề cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020" đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (12/4/2016), PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, "vấn đề nghiêm trọng của chúng ta là những vấn đề của thể chế kinh tế được nêu ra cứ đúng mãi, bao nhiêu năm vẫn đúng, bao nhiêu năm vẫn được nhắc đi nhắc lại".

Ông Thiên nhận định, để kinh tế thay đổi thì không thể chỉ "thay đổi lặt vặt" ở một số ngành, lĩnh vực mà phải có sự thay đổi về mặt thể chế và giải quyết được vấn đề hệ thống. Nếu làm chậm trễ tiến trình này thì mọi thay đổi nhỏ đều là lãng phí thời gian, chi phí cơ hội của nền kinh tế sẽ tăng lên.

Vị chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại khi kinh tế Việt Nam "học" kinh nghiệm xấu từ thế giới rất nhanh trong khi học kinh nghiệm tốt khá chật vật. "Ta đi sau Trung Quốc đã đành nhưng bi kịch ở chỗ, ta lại đi theo Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn". Do vậy, theo ông Thiên, để cải cách thể chế một cách hiệu quả, Việt Nam cần phải sàng lọc những kinh nghiệm từ thế giới chứ không phải "khuân" về cả những mặt xấu và mặt trái.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên

Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) ghi nhận, ở Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, vai trò, chức năng của Nhà nước đã có những đổi mới cơ bản. Theo đó, phạm vi, mức độ tham gia của nhà nước vào các hoạt động kinh tế nói chung, vào đầu tư nói riêng đã có những điều chỉnh.

Ông Cung nhận xét, quy mô đầu tư công tuy có xu hướng thu hẹp lại nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội (40%). Tỷ trọng này chỉ kém Trung Quốc và Malaysia, còn cao hơn nhiều so với các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển (dưới 20%). Tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội cao cho thấy nguy cơ “lấn át đầu tư” khu vực tư nhân càng cao và sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế càng lớn.

Trong khi đó, ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn là nguồn tài trợ lớn nhất cho đầu tư công. Đáng lo ngại là gần đây đầu tư công có xu hướng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay, làm gia tăng nhanh chóng nợ công.

"Đầu tư công hiện tập trung nhiều vào các ngành, lĩnh vực kinh tế và tiết chế đầu tư xã hội. Mặc dù đầu tư công vào các ngành, lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua có giảm nhưng không đáng kể; trong khi đầu tư công cho những ngành dịch vụ công, liên quan trực tiếp đến phát triển con người thì hầu như không có sự chuyển biến rõ rệt" - Viện trưởng CIEM đánh giá.

Hiệu quả đầu tư công có xu hướng giảm, luôn thấp hơn hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế và khoảng cách có xu hướng ngày càng doãng rộng ra. Ông Cung phân tích, một trong những vấn đề dẫn đến hiệu quả đầu tư công thấp là do chất lượng công tác ước tính nguồn vốn, hiệu quả quản lý kém, dẫn đến các dự án bị đội vốn lên nhiều lần.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng chỉ ra rằng, phạm vi đầu tư vốn nhà nước trong doanh nghiệp còn rất lớn. Trong số 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có đến 49,3% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại - là lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể thực hiện được.

Sự đầu tư, duy trì vốn nhà nước dàn trải tại nhiều doanh nghiệp và nhiều ngành, lĩnh vực làm cho quy mô của DNNN nhỏ, manh mún, khó tận dụng được lợi thế quy mô, hiệu quả hoạt động không cao, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư, năng lực cạnh tranh thấp.

"Sự tham gia của DNNN đã làm hạn chế cơ hội và có thể tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt khu vực tư nhân trong nước" - ông Cung đánh giá.

Do vậy, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị, Nhà nước cần rút lui đáng kể khỏi nền kinh tế với tư cách là nhà đầu tư, nhà sản xuất trong doanh nghiệp. Thay vào đó, sự can thiệp của nhà nước nên hướng đến việc nhằm khắc phục những thất bại của thị trường.

Về kinh nghiệm cải cách ở Trung Quốc: Sau chiến tranh, để tái thiết đất nước, một loạt DNNN được thành lập ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để tập trung nguồn lực. DNNN đã thực hiện được nhiệm vụ tái thiết đất nước.

Để giải phóng và tăng cường sức sản xuất, từ năm 1978, Trung Quốc đã thực hiện cải cách DNNN. Với phương châm “nắm lớn buông nhỏ”, vai trò, chức năng của Nhà nước có xu hướng thu gọn.

Theo đó, Nhà nước giữ lại những DNNN quy mô lớn, tập trung ở những ngành, lĩnh vực chiến lược, trụ cột của nền kinh tế; thoái vốn nhà nước ra khỏi những ngành, lĩnh vực ít có tính chiến lược. Để DNNN hoạt động hiệu quả, với tư cách là chủ sở hữu, nhà đầu tư, Nhà nước xác định cụ thể, rõ ràng mục tiêu hoạt động cho từng doanh nghiệp.

Bích Diệp

TS Trần Đình Thiên: Đã đành đi sau Trung Quốc, nhưng đừng "đi theo" - 2