Thủ tướng đồng ý làm nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi.
Văn bản số 152 ký ngày 25/1/2017 nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thé Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở của dự án theo quy định tại Nghị định số 59 ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý đàu tư xây dựng, trong đó đảm bảo nhà đầu tư tuân thủ các cam kết về công nghệ, thiết bị và các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định của pháp luật.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi giám sát nhà đầu tư thực hiện các cam kết về công nghệ thiết bị sản xuất quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng phương án quan trắc, giám sát về môi trường đối với dự án.
Dự án liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất được Tập đoàn Hoà Phát đề xuất trên cơ sở kế thừa dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định ngày 31/1/2013.
Trước đó, ngày 2/12/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh dự án Khu liên hợp thép tại Khu kinh tế Dung Quất thay thế dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian.
Theo đó, dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện từ năm 2017-2019, sản xuất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao. Giai đoạn 2 của dự án triển khai từ năm 2020-2022 sẽ sản xuất 2 triệu tấn/năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, so với dự án ban đầu quy mô 7 triệu tấn/năm bao gồm 6 triệu tấn/năm thép dẹt và 1 triệu tấn/năm thép dài, dự án của Hoà Phát đề xuất có quy mô nhỏ hơn, cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi. Quy mô và cơ cấu sản phẩm nêu trên phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển ngành công nghiệp thép trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Bộ Công Thương nhận định, đến năm 2020, thép xây dựng vẫn thiếu. Nếu tính cả Formosa bán 50% ở Việt Nam thì vẫn thiếu 9 triệu tấn thép cán nóng và 6 triệu tấn thép xây dựng, nhân ra là 8 tỷ USD.
Bình luận về câu chuyện phát triển ngành thép, trao đổi bên lề một hội thảo diễn ra hồi đầu tháng 12 này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Vấn đề phát triển, quy hoạch ngành thép, cho phép hay không cho phép dự án thép ra đời hay tiếp tục được triển khai không phải thừa hay thiếu mà là trong bối cảnh hội nhập, tham gia phân công lao động, anh là người đi sau nên cần chọn những gì làm tốt nhất có lợi nhất và không ô nhiễm môi trường".
Theo ông Mại, thế giới bắt đầu giảm sắt thép như tại Trung Quốc cắt giảm 25% và từ năm 2002 đến nay đã giảm dần các dự án có sản lượng dưới 2 triệu tấn…
Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: "Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện hiện nay thép thế giới thừa không nói thừa hay thiếu mà phải nói khả năng cạnh tranh. Hiện nay thép Trung Quốc cạnh tranh được với thép của Anh hay Mỹ do giá nhân công thấp trong khi đó giá nhân công của Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc".
Theo Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, so với nhu cầu tiêu thụ, cung thép xây dựng đang vượt cầu nên khả năng cạnh tranh mặt hàng này thấp. Đáng lưu ý, thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo... là những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, nên tập trung sản xuất vì thị trường tiêu thụ lớn và khả năng cạnh tranh cao.
Phương Dung