Thu nhập bình quân đầu người Singapore gấp 30 lần Việt Nam
(Dân trí) - Mặc dù các nước đã nỗ lực để thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư, khoảng cách phát triển trong ASEAN trong những năm qua còn rất lớn. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 50 lần Campuchia, 40 lần Lào, và 30 lần so với Việt Nam.
Trước thềm gia nhập AEC, Việt Nam vẫn nằm trong "Top" dưới của khu vực về trình độ phát triển - Ảnh minh họa
Trong thập kỷ qua, ASEAN đã và đang thành công trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với một số đối tác thương mại lớn, hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác thương mại trong khu vực đã có hiệu lực nhằm khai thác tiềm năng to lớn về hợp tác và tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư giữa ASEAN với các đối tác, nhắm tới một khu vực ASEAN tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng và tự do dịch chuyển dòng vốn.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), với việc thành lập AEC, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung, hướng tới sự phát triển năng động và cạnh tranh hơn; tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam như cơ hội về cắt giảm thuế quan, hưởng lợi ích từ việc áp dụng các thuận lợi hóa thương mại.
Dự kiến, AEC sẽ được hình thành vào cuối 2015, tạo ra thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất cho một khu vực rộng lớn với dân số lên tới 600 triệu người và GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng, mặc dù các nước đã nỗ lực để thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư, khoảng cách phát triển trong ASEAN trong những năm qua còn rất lớn (đặc biệt là giữa các nước CLMV gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, và phần còn lại của ASEAN; giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) và ASEAN-6 về chỉ số phát triển con người - HDI).
Nếu lấy Việt Nam làm điểm mốc để so sánh thì khoảng cách thu nhập tính theo PPP trong ASEAN là rất đáng kể trong giai đoạn 2000-2012, trong đó, Lào và Campuchia có mức thu nhập thấp nhất, trong khi Singapore vẫn là nước giàu nhất .
Ví dụ như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 50 lần so với Campuchia, 40 lần so với Lào, và 30 lần so với Việt Nam. So với Trung Quốc, khoảng cách giữa các nước CLV và Trung Quốc ngày càng doãng ra.
Các điểm số và xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể về trình độ phát triển con người giữa các nước CLMV và phần còn lại của ASEAN (trừ Indonesia). Nhóm nước CLMV và Indonesia nói chung thường xếp hạng từ 100 trở lên. Các nước ASEAN khác có chỉ số HDI tốt hơn nhiều, đặc biệt là Singapore.
Ngoài ra, trừ Singapore và Brunei, xếp hạng chỉ số HDI của các nước ASEAN có chiều hướng đi xuống trong giai đoạn 2000-2013 và thực tế này phản ánh sự thiếu tiến triển trong lĩnh vực phát triển con người. Đặc biệt là Philippines thì chỉ số HDI đã tụt tới 40 bậc trong bảng xếp hạng từ thứ 77 xuống thứ 117 trong giai đoạn 2000-2013.
Xét chung cả giai đoạn 2001-2013, ASEAN là khu vực kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng, nhanh thứ nhì Châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2013, GDP của ASEAN đạt 2.400 tỷ USD, chiếm 3,3% GDP toàn cầu. Tính trung bình cả giai đoạn 2007-2013, GDP của các nền kinh tế ASEAN (trừ Brunei) tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới, điều này cho thấy các quốc gia ASEAN đã thể hiện khả năng chống chịu khá tốt với các cú sốc từ bên ngoài sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Năm 2013, tăng trưởng GDP của ASEAN là 4,9% trong khi tăng trưởng GDP của thế giới là khoảng 3%. Trong hơn một thập kỷ qua, nhóm các nước nghèo như Campuchia, Lào, Việt Nam nói chung có xu hướng tăng trưởng GDP nhanh hơn các nước giàu hơn (như ASEAN-6) mặc dù tỉ lệ tăng trưởng của tất cả các nước ASEAN đều có phần giảm sút ở giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên xét về khoảng cách thu nhập thì GDP bình quân đầu người giữa các nước còn rất lớn.
Bích Diệp