1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tập đoàn Hoa Sen được làm cảng trước khi làm thép tại Cà Ná

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý điều chỉnh công năng, quy mô, quy hoạch của Khu bến cảng Cà Ná thuộc cảng biển Ninh Thuận như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của các Bộ: Công Thương, Quốc phòng và Tài nguyên Môi trường.

Tập đoàn Hoa Sen được làm cảng trước khi làm thép tại Cà Ná - 1

Văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Quốc phòng, UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan liên quan xác định cụ thể giai đoạn thực hiện quy hoạch phát triển Khu bên cảng Cà Ná vừa đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và của khu công nghiệp Cà Ná nói riêng.

UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Khu bến cảng Cà Ná thuộc cảng biển Ninh Thuận.

Trước đó, hồi giữa tháng 12/2016, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn xin đầu tư dự án Cảng Quốc tế tổng hợp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận tại tỉnh Ninh Thuận. Cảng biển này được thực hiện theo 3 giai đoạn, từ năm 2017 - 2031 với tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn lên tới 10.619 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 là 1.365 tỷ đồng, lượng hàng chuyên dụng qua cảng hơn 15 triệu tấn/năm; giai đoạn 2 5.430 tỷ đồng, lường hàng tổng hợp qua cảng 0,7-187 triệu tấn/năm; giai đoạn 3 3.824 tỷ đồng, lượng hàng tổng hợp qua cảng tăng lên 1,5-3,2 triệu tấn/năm.

Tổng vốn đầu tư dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư là 10.619 tỷ đồng, tương đương 472 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1, vốn đầu tư 1.365 tỷ đồng, vốn tự có của Hoa Sen 274 tỷ đồng, số còn lại đi vay.

Để thực hiện dự án này, UBND tỉnh Ninh Thuận xin một loạt các ưu đãi cho Tập đoàn Hoa Sen. Theo đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thuế ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm và đề xuất kéo dài thêm tối đa 30 năm.

Về thuế nhập khẩu, miễn hoàn toàn đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo đúng quy định của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, miễn thuế sử dụng đất đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước do toàn bộ diện tích thuê trong cả thời hạn thuê.

Tại văn bản này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, dự án Cảng Quốc tế tổng hợp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khó khăn, thu hút đầu tư những năm qua còn hạn chế, việc thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ dự án khu công nghiệp Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen đầu tư và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ của tỉnh và của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, UBND tỉnh Ninh thuận cho biết.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hôm 6/1, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cũng cho biết, HSG đang khẩn trương làm việc với tính Ninh Thuận. Trước tiên, làm cảng, khu công nghiệp và sau đó mới làm dự án Thép. Hồ sơ về dự án của HSG đã báo cáo ra Trung ương.

Theo tài liệu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016-2017, diễn ra vào sáng 6/1 cho thấy, về hoạt động đầu tư, năm 2017, HSG sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu đối với dự án bất động sản và Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná tại Ninh Thuận.

Nói về lý do làm thép, ông Vũ cho biết: "Dự án Hoa Sen Cà Ná, vì sao chúng ta đầu tư lớn. HSG đang mua thép cán nóng 2 triệu tấn. Chi phí sản xuất thép cán nóng chỉ 30 USD/tấn. Nhưng giá chênh lệch giữa phôi và thép cán nóng từ 80-100 USD/tấn. Riêng lợi nhuận từ khoản đó đã giúp công ty tiết kiệm được vài triệu USD".

Trước đó, hồi tháng 9, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho rằng, thời điểm này là cơ hội vàng để làm dự án thép vì nhu cầu của thị trường đang lớn chưa bao giờ giá thành đầu tư nhà máy thép rẻ như bây giờ.

Hiện dự án khu liên hợp thép Cà Ná đang được xem xét để đưa vào quy hoạch ngành thép. Tuy nhiên, dự án nhận được khá nhiều dư luận trái chiều do chưa làm sáng tỏ những thông số quan trọng nhất để có thể xem xét đi đến quyết định cuối cùng.

Theo TS Lê Đăng Doanh, hiện tại dự án này vẫn không rõ nguồn vốn vay ở đâu, lãi suất bao nhiêu, quặng, than nhập từ đâu, năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng, thời gian giao hàng so với thép Trung Quốc có trụ được không, công nghệ của công ty nào...

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm