Sự trưởng thành của những người công nhân Việt Nam thế hệ mới tại Samsung
“Năng suất lao động của người Việt Nam không hề thấp, khi so sánh với người Hàn Quốc cũng đạt 98-99%, gần như tương đương”, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam tự hào khi chia sẻ về năng suất lao động của những nhân viên sản xuất trong các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả đáng tự hào này không phải là việc có thể đạt được trong một sớm một chiều.
“Phải mất một thời gian đầu em mới quen với việc phải tập trung cao độ khi làm việc trên dây chuyền điện thoại với những linh kiện nhỏ”, Pham Thị Hằng, quê Bắc Giang, nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên khi cô bắt đầu vào làm việc tại Samsung.
“Đi đâu cũng phải xếp hàng, không được chen lấn; ra đường phải đội mũ bảo hiểm; không được sử dụng điện thoại khi đi trên đường…lúc đầu em cũng rất khó chịu với những quy định này, nhưng về sau lại trở thành thói quen và thấy những điều đó thực sự tốt cho chúng em”, Hằng chia sẻ thêm.
Phạm Thị Hằng đã có 9 năm gắn bó với Samsung, luôn là một nhân viên xuất sắc và cô cũng vừa được công ty cử sang Barcelona để chứng kiến Lễ ra mắt toàn cầu S9/S9+, là những sản phẩm công nghệ cao do chính các cô sản xuất ra. Câu chuyện của Hằng là sự phản ánh chân thực quá trình trưởng thành của những người trẻ tuổi bước ra từ nông thôn để trở thành những người lao động có tính kỷ luật và chuyên nghiệp tại các nhà máy sản xuất công nghệ cao.
Cũng giống như Hằng, phần đông trong số 170.000 nhân viên đang làm việc tại các nhà máy Samsung tại Việt Nam đến từ các vùng nông thôn. Bước ra từ ruộng đồng, không kiến thức, không kinh nghiệm và không có kỹ năng, nhiều chàng trai, cô gái đến với Samsung chỉ với sức trẻ và niềm khao khát có được công việc kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân và phụ giúp phần nào cho bố mẹ.
Những ngày đầu tiên tại Samsung, trước khi được phân vào các xưởng sản xuất, các nhân viên sẽ trải qua một khóa đào tạo định hướng kéo dài 9 ngày.
“Ngoài Samsung, không một công ty sản xuất nào tổ chức khóa đào tạo nhập môn kéo dài đến 9 ngày như thế. Chúng tôi coi đây là bước đầu tiên để các bạn tiếp cận với môi trường làm việc có tính kỷ luật và chuyên nghiệp trong ngành sản xuất công nghệ cao”, ông Lại Hoàng Dũng, Trưởng phòng phụ trách đào tạo nhân viên sản xuất, Samsung Việt Nam cho biết.
Tại khóa đào tạo nhập môn này, bên cạnh việc cung cấp thông tin về chính sách công ty, nội quy làm việc, an toàn lao động, Samsung chú trọng việc hướng dẫn các nhân viên có tinh thần làm việc theo nhóm
“Các nhân viên mới của Samsung đến từ nhiều địa phương khác nhau, tính cách, nếp sống, thói quen khác nhau. Chính vì vậy, việc hiểu hết ý nghĩa của làm việc tập thể là vô cùng quan trọng, nhất là trong một dây chuyền sản xuất, một cá nhân làm việc không tốt sẽ ảnh hưởng tới kết quả cả cả dây chuyền”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Sau khóa đào tạo định hướng này, các bạn nhân viên sẽ được phân về các xưởng và tiếp tục quá trình đào tạo tay nghề trong thời gian làm việc trực tiếp. Bài học đầu tiên dưới xưởng là yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản trong môi trường sản xuất công nghiệp, đặc biệt với Samsung là công ty sản xuất điện thoại di động với các linh kiện tương đối nhỏ.
Được biết, hiện nay, các sản phẩm của Samsung được sản xuất tại Việt Nam đã được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để được thị trường toàn cầu chấp nhận, các sản phẩm của Samsung phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe cả về chất lượng và hình thức sản phẩm. Nhiều lỗi đơn giản như một vài sản phẩm bị dán tem nhăn, lệch vị trí trên vỏ hộp, hay còn lưu lại dấu vân tay trên miếng dán bảo vệ màn hình do nhân viên quên không lau, hay có một sợi tóc trong hộp sản phẩm…thì toàn bộ cả lô hàng lớn sẽ bị khách hàng trả về.
Bắt đầu từ những con số “không” tròn trĩnh, chỉ sau một đến hai tháng được đào tạo nghiêm khắc trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, những người trẻ tuổi xuất thân từ nông thôn đã có những bước tiến dài để trở thành một người lao động có tính kỷ luật và có kỹ năng làm việc đạt tiêu chuẩn đáp ứng với các yêu cầu khắc nghiệt từ thị trường toàn cầu.
Trở lại với câu chuyện về năng suất lao động, tại nhà máy Samsung, những nhân viên sản xuất người Việt Nam có năng suất cao gần như tương đương với người Hàn Quốc, điều đó cũng nhờ tính kỷ luật và tác phong làm việc chuyên nghiệp mà họ được đào tạo và tự giác rèn luyện được. Điều đó mang lại lợi ích không chỉ cho chính người lao động, cho Samsung, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cả Việt Nam.