1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quyết định nhập khẩu vàng không muộn màng”

(Dân trí) - Hiện thực tiền mất giá; căng thẳng tỷ giá do giao dịch “đi đêm”, găm hàng; vàng “nhảy múa” bung sàn... làm cho phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu sáng nay đậm tính thời sự. Nhiều chia sẻ, đồng tình, ghi nhận nhưng giải pháp cho hiện trạng thì vẫn... tắc.

“Chia sẻ” với DN về tỷ giá

Là người mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt vấn đề, Luật Ngân hàng qui định chức năng làm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước, nhưng thời gian qua đồng tiền liên tục mất giá đã ảnh hưởng đến đời sống công nhân, cán bộ, sinh viên…

“Tới đây tăng lương tối thiểu, bán các mặt hàng than, dầu theo giá thị trường sẽ ảnh hưởng tới giá trị đồng tiền, Thống đốc có giải pháp gì để tiếp tục ổn định đồng tiền Việt Nam?”, bà Nga chất vấn.
 
“Quyết định nhập khẩu vàng không muộn màng” - 1
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bên hành lang phiên họp (ảnh: Việt Hưng).

Thống đốc Nguuyễn Văn Giàu trả lời, hàng năm đồng tiền Việt Nam mất giá là “có thực”. Theo ông Giàu, mục tiêu ngành Ngân hàng theo đuổi là ổn định giá trị đồng tiền, nhưng để đạt được điều này còn đòi hỏi yếu tố khác như cơ cấu, hiệu quả của nền kinh tế… Thống đốc thừa nhận, tới đây khi khi bán than, dầu, sẽ tác động đến điều hành.

Đại biểu Nga “phê” phần trả lời của người đứng đầu NHNN còn đơn giản, đồng thời đề nghị kiểm điểm lại giải pháp đã thực hiện để khắc phục.

Chuyển sang vấn đề tỉ giá ngoại hối, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, hiện nay, thị trường ngoại hối đang rất căng thẳng, việc mua ngoại tệ của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng đô la. Bà Loan “truy” Thống đốc về chính sách ngắn hạn và dài hạn để ổn định tỉ giá?

Ông Giàu cho biết, Chính phủ đưa mục tiêu xuất khẩu nhiều năm nay, nhưng hơn 20 năm qua chúng ta liên tục nhập siêu. Năm 2007 nhập siêu 12,4 tỉ USD, năm 2008 lên tới 18 tỉ và năm nay 10 tháng đã 8,9 tỉ USD, gây nhiều ảnh hưởng đến tỉ giá.

Những vấn đề của năm ngoái chưa giải quyết chưa xong, năm nay lại phải chống suy giảm. Chính phủ đã công bố “4 giảm” của năm 2009: giảm xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm kiều hối, giảm du lịch.

4 giảm trong điều kiện khó khăn ngoại tệ đã làm chúng ta tiếp tục có những khó khăn mới. Ngoài ra, trong điều hành vĩ mô, Chính phủ muốn ngăn ngừa suy giảm, phát triển sản xuất đã phải nới lỏng chính sách tiền tệ và điều này cũng gây áp lực lên tỉ giá.

“Chúng tôi cũng chia sẻ, nhưng giải pháp chính là thắt chặt các chính sách để lượng cung tiền tín dụng không tăng, yêu cầu nhập khẩu không tăng lại mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng GDP 5,2% của năm nay hoặc 6,5% của năm tới”, ông Giàu giải thích.

Về ý kiến phá giá đồng tiền Việt Nam, ông Giàu cho rằng, vừa điều hành linh hoạt vừa phá giá sẽ có những nguy cơ khác. Cụ thể, nợ quốc gia của chúng ta hiện rất lớn, trong khi nợ doanh nghiệp về ngoại tệ cũng không nhỏ, bởi chỉ riêng trong nước nợ của các doanh nghiệp đã lên tới 17 tỉ đôla.

Người đứng đầu NHNN cho rằng, phải giải quyết dần những khó khăn, chứ không thể tức thời.

Đại biểu Loan thẳng thắn bộc lộ sự không hài lòng với câu trả lời. “Tình trạng tỉ giá căng thẳng là do doanh nghiệp có ngoại tệ găm giữ, ngân hàng cũng không có giải pháp nên gây khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Loan gay gắt.

Câu hỏi giải pháp tiếp tục được bà gửi tới Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Tuy nhiên, câu trả lời của Thống đốc cũng chỉ ngắn gọn: “Đây là vấn đề rất lớn, nếu cần thiết tôi sẽ báo cáo Quốc hội”.

Chậm “mở cửa” nhập vàng do hụt cung mới là sai

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nêu vấn đề diễn biến thất thường của giá vàng. Giá vàng nhảy múa đến khi NHNN quyết định cho nhập khẩu vàng không hạn chế mới ổn định trở lại. Ông Sơn vấn trách nhiệm của Thống đốc cũng như yêu cầu đánh giá tính kịp thời của giải pháp?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chậm rãi giải thích, NHNN được giao quản lý việc xuất nhập khẩu, chế biến vàng miếng nhưng vàng thị trường thì bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác. Ông Giàu phân trần, khi có dấu hiệu giá vàng thế giới biến động nhanh, NHNN đã theo dõi sát.
 
“Quyết định nhập khẩu vàng không muộn màng” - 2
Giá vàng "nhảy múa" làm nóng phần chất vấn Thống đốc NHNN (ảnh: Việt Hưng).

Vàng “nhảy” giá qua các ngày 6, 9, 10/11, thấy tình hình quá phức tạp, NHNN đã tổ chức họp với 5 Tổng GĐ ngân hàng thương mại nhà nước để xem có hiện tượng dân rút tiền tiết kiệm để mua vàng không vì tỷ lệ xuất khẩu vàng  thấp, lượng vàng còn trong dân rất lớn.

Ông Giàu khẳng định, biến động giá vàng trong nước không phải do mất cân đối cung cầu. “Chúng tôi dùng giải pháp trấn an là công bố cho nhập vàng để xã hội thấy vàng thừa thì ắt tự dịu xuống. Mà sau khi cho nhập thì kim ngạch nhập cũng chỉ tăng thêm vài tấn, không nhiều. Đây cũng là một kinh nghiệm điều hành” - thống đốc nhắc lại việc theo sát cả từng chuyến bay các DN mang vàng miếng từ TPHCM ra Hà Nội bán.

Tự đánh giá, ông Giàu quả quyết: “Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ để đi đến quyết định và cho rằng chính sách kịp thời chứ không hề muộn màng. Nếu biến động giá do mất cân đối mà ngay từ đầu khi có đột biến (6/11) chúng tôi không can thiệp thì đó mới là chúng tôi sai”.

Đại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) “bồi” thêm câu hỏi: việc nhập khẩu vàng cần lượng ngoại tệ lớn, có làm mất cân bằng cán cân thanh toán, làm căng thẳng thêm vấn đề quản lý tỷ giá hối đoái? Thống đốc NHNN xác nhận lại đó là một quyết định khó khăn, đương nhiên gây áp lực nhập siêu.

Tuy nhiên, theo ông Giàu, cơ quan điều hành cũng dự báo với lượng vàng nhập rất lớn những năm gần đây, còn cả trăm tấn vàng dự trữ trong dân thì lượng nhập thêm khi “thông cửa” cũng không lớn.

Bà Hảo đặt vấn đề tiếp về hoạt động của các sàn giao dịch vàng hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cho thị trường ngoại tệ. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu gật đầu xác nhận, sàn vàng là kẽ hở của pháp luật, hiện không có cơ quan nào quản lý.

Theo quy định trước đây, sàn giao dịch hàng hóa (trong đó có vàng) là do Bộ Thương mại quản lý. “Nhưng hiện tại khi các ngân hàng “bung” ra làm sàn vàng thì chưa có ai quản vì NHNN chưa cấp giấy phép thành lập cho bất cứ sàn vàng nào” - ông Giàu hứa sẽ cố gắng sớm có báo cáo xin ý kiến thủ tướng về việc quản lý vấn đề rất mới này. 
 

Đại biểu Lê Thị Nga “nhớ lại”, năm 2003 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời đó khi thuyết phục Quốc hội cho phát hành đồng tiền kim loại đã cho rằng, tiền đồng đẹp, độ bền cao, sử dụng thuận tiện. “Nhưng qua 6 năm độ bền đẹp như thế nào, hiệu quả thế nào mọi người đã thấy”, bà Nga nói và giơ lên đồng tiền đã xỉn.

 

Bà Nga “truy” Thống đốc về việc làm gì để phát huy hiệu quả của đồng tiền kim loại, tránh lãng phí hàng tỉ đồng của nhà nước khi phát hành tiền này?

“Đề án tiền kim loại tôi nói thẳng thắn là không hiệu quả”, ông Giàu thừa nhận. Theo ông, Ngân hàng nhà nước đã nghiêm túc xem xét vấn đề này và đã ngưng không phát hành đồng tiền xu. Đối với những đồng tiền xu không đảm bảo lưu hành đã thu về, còn những đồng tiền còn điều kiện sẽ tiếp tục lưu hành.

 

“Những đồng tiền xu đẹp, sạch vẫn lưu hành bình thường, ai có tiền xu chúng ta sử dụng, nhưng tính phổ biến không nhiều”, ông Giàu nhấn mạnh.

 
Cấn Cường - Phương Thảo