1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm

(Dân trí) - Lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước có mặt trong Hiến pháp với tư cách là một chế định độc lập. Do đó, kế hoạch kiểm toán sẽ phải xin ý kiến của Quốc hội. Tùy theo nhiệm vụ từng thời kỳ, từng năm, Quốc hội quyết định kế hoạch kiểm toán.

Ngày mai 28/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Điều 118 của dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện việc kiểm toán quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán là người đứng đầu kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán; báo cáo công tác trước Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, đây là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước có mặt trong Hiến pháp với tư cách là một chế định độc lập.


Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Trao đổi bên lề Quốc hội sáng nay 27/11 về vị trí của Kiểm toán trong dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Trước đây, kiểm toán là cơ quan hoạt động theo Luật kiểm toán, nhưng Kiểm toán chưa có mặt trong Hiến pháp. Còn trong Hiến pháp lần này đưa kiểm toán vào là một chế định độc lập. Hiện nay chế định độc lập có Hội đồng bầu cử và Kiểm toán".

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Theo đánh giá của bà Nga, đây là một thay đổi lớn, khi trong Hiến pháp xác định địa vị pháp lý, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Với chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước, trước đây cũng do Quốc hội bầu nhưng khi thỏa thuận về nhân sự thì phải có sự thống nhất của Thủ tướng. Tuy nhiên, trong Hiến pháp sửa đổi lần này không quy định cụ thể như vậy.

“Có thể cách làm này sẽ làm cho ông Tổng kiểm toán có vị thế độc lập với Chính phủ. Còn cụ thể, quy trình, thủ tục nhân sự Tổng kiểm toán như thế nào phải đợi việc sửa Luật Kiểm toán”, bà Nga nói.

Cùng với những thay đổi trên, thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán là 7 năm hay 5 năm.

Nói về lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước có mặt trong Hiến pháp với tư cách là một chế định độc lập, bà Nga nhấn mạnh tới sự thay đổi “có tính lịch sử. Đây là điểm tiến bộ. Đặc biệt, trong tình hình tăng cường phòng, chống tham nhũng và kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản tài chính, tài sản công thì đây là một việc rất quan trọng. Hy vọng, sau khi có bản Hiến pháp mới, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước sẽ tốt hơn”.

Tổng Kiểm toán do Quốc hội bầu, vậy vị “thủ lĩnh” ngành Kiểm toán có nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội? Bà Lê Thị Nga cho hay: “Trong dự thảo không nói là bầu Tổng kiểm toán trong số đại biểu Quốc hội, có nghĩa là Tổng Kiểm toán có thể là đại biểu Quốc hội, và có thể không phải là đại biểu Quốc hội”.

Cũng theo bà Nga, quy trình bầu Tổng Kiểm toán sẽ phải thay đổi trong thời gian tới. Trước đây, quy trình này do Thường vụ Quốc hội thống nhất với Thủ tướng để tìm ra nhân sự Tổng kiểm toán.

“Tôi cho rằng, quy định đó không hợp lý ở chỗ, về lý thuyết, khu vực dùng nhiều tiền của Nhà nước nhất là khu vực hành pháp mà lại tham gia vào việc chọn lựa nhân sự Tổng kiểm toán. Dư luận cũng đặt ra vấn đề, Kiểm toán càng tìm ra được nhiều lỗi, phát hiện ra được nhiều sai phạm thì liệu Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ có thể tin tưởng giới thiệu ông ấy trong cả một khóa để luôn tìm ra sai phạm của mình?”, bà Nga thẳng thắn nói.

Do đó, để Kiểm toán hoạt động được độc lập thì phải độc lập cả về tổ chức, cách hình thành nên Tổng Kiểm toán. Điều này, theo bà Nga, phải được giải quyết trong Luật Kiểm toán. Còn nội dung trong Hiến pháp không quy định quy trình cụ thể để bổ nhiệm một Tổng kiểm toán mà chỉ nói là Quốc hội bầu.

Và khi đã quy định trong Hiến pháp, kế hoạch kiểm toán sẽ phải xin ý kiến của Quốc hội. Tùy theo nhiệm vụ từng thời kỳ, từng năm, Quốc hội quyết định kế hoạch kiểm toán.

“Kiểm toán là loại cơ quan chuyên môn rất độc lập. Cho nên, Quốc hội hình thành ra cơ quan này để quản lý tài sản của Nhà nước. Luật quy định, Quốc hội quyết định phần nào của kiểm toán, phần nào là chuyên môn độc lập. Còn vấn đề về nhân sự, bộ máy, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”, bà Nga cho biết.

Trước ý kiến của dư luận về việc thực hiện kết luận kiểm toán chưa được nghiêm, bà Nga cho rằng, chế tài của việc thực hiện hay không thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán mới là quan trọng. Điều này cần được giải quyết bằng Luật, chứ không thể giải quyết trong Hiến pháp.

Vì thế, trong Luật Kiểm toán sẽ phải quy định giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị của Kiểm toán. Bởi trên thực tế, từ nhiều năm qua, trong kiến nghị chi không đúng, ghi thu - ghi chi chưa đúng... nhưng việc thực hiện kết luận này của kiểm toán không riêng gì địa phương mà các cơ quan trung ương cũng chưa nghiêm. Có năm, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán chỉ đạt 60 - 65%.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước