Tham nhũng: Đã cắt được bao nhiêu “ung nhọt”?

(Dân trí) - Cử tri cho rằng, về vấn nạn tham nhũng, ta phòng thì mạnh mà chống thì yếu nên người dân còn nhiều bất an. “Chính phủ thời gian qua đã bắt được bao nhiêu vụ tham nhũng, cắt bao nhiêu “ung nhọt”?” - nữ cử tri chất vất Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.

Sáng 3/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp tục có buổi tiếp xúc với bà con cử tri quận 4. Tại đây, các cử tri đã bày tỏ nhiều mối quan tâm đến các vấn đề thời sự “nóng hổi” như giáo dục, y tế, tiền lương, tham nhũng, an ninh quốc phòng…

Ba đời Thủ tướng vẫn không thay đổi chính sách

Cử tri Lê Trọng Nhường nhận định, tham nhũng không chỉ “đục” tiền của Nhà nước, của nhân dân mà còn có thể “đục” đổ chế độ nếu chúng ta không quyết liệt với nó.

Hiện có quá nhiều cán bộ xây dựng nhà to, mua sắm nhiều phương tiện đắt tiền, còn nhân dân khó khăn trăm bề. “Lương cán bộ, công chức bao nhiêu mà đủ mua sắm như vậy trong khi chế độ chính sách dành cho cán bộ hưu trí còn nhiều bất cập. Bao nhiêu năm chế độ, chính sách vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Con cháu học hành không được miễn giảm học phí. Bản thân tôi mua nhà trả góp không được miễn giảm”, ông Nhường bức xúc.

Cử tri Phan Bạch Tuyết thì cho rằng phòng chống tham nhũng chưa có kết quả tốt. Phòng thì mạnh mà chống thì còn yếu nên người dân còn nhiều bất an. “Chính phủ thời gian vừa qua đã bắt được bao nhiêu vụ tham nhũng, cắt bao nhiêu “ung nhọt”?”, cử tri Tuyết chất vấn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con cử tri quận 4
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi bà con cử tri quận 4

Cử tri này cũng cho rằng, tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty yếu kém, thua lỗ, trách nhiệm thuộc về cá nhân nào, cần phải được xử nghiêm và công khai trước nhân dân. “Đất nước ta còn nghèo, phải vay mượn từ nhiều nước trên thế giới mà chúng ta làm thất thoát tiền của Nhà nước, của nhân dân một cách lãng phí như vậy khiến lòng tin của nhân dân bị tổn thương”, bà Tuyết trăn trở.

Giải đáp thắc mắc của cử tri Phan Bạch Tuyết về vấn nạn tham nhũng, ĐBQH Trần Du Lịch cho biết, Thủ tướng sẽ trả lời và đăng công khai trên cổng thông tin điện tử Chính phủ tới đây. Chắc chắn Chính phủ sẽ giải trình trong kỳ họp tới, công khai, minh bạch.

Đại biểu Trần Du Lịch nói, bản thân ông và các ĐBQH khác cũng rất trăn trở và muốn chấm dứt vấn nạn tham nhũng nhức nhối hiện nay. Nhưng “muốn nói ai tham nhũng phải chứng minh họ tham nhũng. Bà con gửi gắm thì chúng tôi cảm kích. Chúng tôi rất trăn trở với bà con và mong muốn chấm dứt tình trạng này. Để xảy ra những vụ việc như Vinashin, Vinalines là do pháp luật còn nhiều lỗ hổng. Bởi vậy, chúng ta phải giải quyết từ phần gốc là hoàn thiện luật pháp”, ĐBQH Trần Du Lịch bày tỏ.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, trong thời gian tới đây, khi “Luật Chính quyền địa phương” cùng “Luật Ngân sách” và một số bộ luật khác được Quốc hội thông qua, tình trạng trên sẽ có chuyển biến bởi lúc đó trách nhiệm sẽ được quy định rõ ràng và các vụ đại án “tội đâu xử đó, đảm bảo tính phân minh”.

Sao không thấy Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trả lời chất vấn?

Cử tri Nguyễn Quang Thắng cho rằng, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng nên trả lời chất vấn về các vấn đề quốc phòng, đạo đức công an, nạn chạy chức chạy quyền, trạm trưởng, trạm phó CSGT Suối Tre (Đồng Nai) đánh nhau…

Người dân hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề an ninh trật tự và an ninh quốc phòng. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần tích cực đăng đàn phát biểu trước Quốc hội cũng như tham gia chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”.

Cử tri chất vấn các ĐBQH
Cử tri chất vấn các ĐBQH

Thay mặt đoàn ĐBQH TPHCM trả lời thắc mắc này, ông Trần Du Lịch cho biết, việc chọn Bộ trưởng trả lời chất vấn phụ thuộc vào số lượng câu hỏi của các ĐBQH. Bộ trưởng nào nhận được nhiều câu hỏi sẽ đăng đàn. Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, tuy không đăng đàn nhưng Bộ trưởng Công an vẫn tham gia trả lời chất vấn khi có vấn đề liên quan đến Bộ này.

Công Quang