1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phải chấp nhận nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát

(Dân trí) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, việc nâng lãi suất có thể ít nhiều tác động tới nền kinh tế nhưng chúng ta không còn cách nào khác. Tuy nhiên, ông Giàu cũng cho rằng, giải pháp này sẽ chỉ thực hiện trong quãng thời gian ngắn.

Tại buổi họp báo sau phiên họp Thường kỳ của Chính phủ chiều 2/12, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự kiến GDP năm nay có thể tăng trên 6,7% (mục tiêu ban đầu là 6,5%). Trong đó, công nghiệp tăng 14%, xấp xỉ mức tăng trước thời kỳ khủng hoảng…
 
Nhận định chiều hướng chung của nền kinh tế là tốt, nhưng ông Phúc cũng cho rằng, vấn đề đáng quan tâm là lạm phát. Theo ông Phúc, giá cả trong nước biến động do giá thế giới tăng cao, chẳng hạn giá những mặt hàng như thép, xăng dầu, bông, cao su… Thêm nữa, thiên tai bão lụt, sức mua tăng cao, thị trường tiền tệ có những biến động cũng đã tác động đến giá cả.
 
Theo ông Phúc, thời gian qua Chính phủ đã có những giải pháp mạnh mẽ để kiếm chế lạm phát, nếu không chỉ số giá tiêu dùng còn cao hơn con số 9,58% tháng vừa qua.
 
Về thời gian tới, ông Phúc cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo, không để giá tăng quá cao, trong điều kiện thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt lạm phát tại Trung Quốc tăng cao. Thủ tướng cũng chỉ đạo, lĩnh vực tiền tệ phải có giải pháp để tác động tích cực tới việc kìm tăng giá.
 
Phải chấp nhận nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát - 1
Nâng lãi suất để hút tiền về (Ảnh: QĐ)
 
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ngân hàng Nhà nước phải lựa chọn giữa tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các tổ chức tín dụng hoặc nâng lãi suất. Giải pháp thứ nhất khó thực hiện do ảnh hưởng tới tính thanh khoản của các ngân hàng.
 
Với giải pháp nâng lãi suất, theo ông Giàu, có thể xã hội sẽ “lên tiếng”, nhưng đó là giải pháp đúng đắn để hút tiền về. Tuy nhiên, theo ông Giàu, công cụ chống lạm phát này sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn, có thể 3 tháng, 5 tháng, bởi nếu kéo dài hơn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.
 
“Giải pháp lãi suất như vậy có thể ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế, nhưng ta không có cách nào khác”, ông Giàu nhấn mạnh.
 
Cũng liên quan đến việc kiểm soát tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, có hiện tượng đầu cơ, găm giữ hàng hoá, tung tin đồn, nhưng điều quan trọng là kiểm soát như thế nào.
 
Trả lời báo chí về việc các cửa hàng bình ổn giá bán hàng cao hơn thị trường bà Thoa thừa nhận có, nhưng không nhiều. Các mặt hàng đội giá tại các cửa hàng này chủ yếu thuộc về hàng tươi sống và nguyên nhân là do các cửa hàng không kịp điều chỉnh giá theo thị trường. TPHCM có một số cửa hàng như vậy và đã xử lý nghiêm khắc các cửa hàng này.
 
Chuyển sang vấn đề cũng rất có tính thời sự khác là tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, hai tháng trở lại đây tỷ giá trên thị trường tự do luôn cao hơn tỷ giá niêm yết.
 
Theo ông Giàu, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn đã tác động tới yếu tố tâm lý của người dân. Thêm nữa, giá vàng biến động mạnh mẽ từ tháng 10 đến nay, trong khi thị trường vàng lại gắn bó chặt chẽ với ngoại tệ.
 
Theo ông Giàu, Thủ tướng đã chỉ đạo sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ để ổn định tỷ giá, từ đó có tác động tích cực đến các vấn đề lạm phát, tăng trưởng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào việc nhập khẩu những nhu cầu thiết yếu, đảm bảo cho sản xuất, đời sống.
 
Sau những việc đã làm, cho đến thời điểm này, trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện đáng kể. Nếu như ngày 21/11 trạng thái ngoại hối là âm 350 triệu USD thì đến ngày 2/12 chỉ còn âm 94 triệu USD.
 
Cấn Cường