Nợ công Việt Nam lọt nhóm nguy hiểm: Cảnh giác là cần thiết
Ngân hàng Bank of America vừa công bố, nợ công của Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới.
Theo bản đồ mới nhất vừa được ngân hàng Bank of America công bố, nợ công của Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới.
Để có được thống kê, ngân hàng sử dụng giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap - CDS) của trái phiếu chính phủ.
Về cơ bản, đây là một công cụ tài chính dựa trên nguyên tắc của hợp đồng hoán đổi, tuy nhiên có nguyên tắc giống như một hợp đồng bảo hiểm.
Người mua CDS trả cho người bán một khoản phí nhỏ (CDS spread) để được bảo hiểm cho rủi ro trong trường hợp vỡ nợ.
Bình luận về con số này, TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc các tổ chức quốc tế cảnh báo về nợ công của Việt Nam là cần thiết.
Tuy nhiên, TS Bùi Đức Thụ khẳng định thực tế tỉ lệ nợ công của Việt Nam không quá nguy hiểm như những gì các tổ chức quốc tế đã thông tin.
"Hàng năm Chính phủ báo cáo công khai trước Quốc hội, con số hiện nay dư nợ công đã chiếm tới 64% GDP, đỉnh cao của nợ công sẽ tiến tới 65% GDP vào cuối năm 2015 nên cũng không đáng ngại", TS Bùi Đức Thụ nói.
Theo đó ông Thụ cũng cho rằng: cảnh giác là cần thiết nhưng cần bình tĩnh để xử lý.
Mặc dù vậy, TS Bùi Đức Thụ cũng nêu quan điểm: Chính phủ cần tăng cường kỷ luật tài chính, coi đó là việc làm cấp bách trong quản lý tài chính ngân sách hiện nay.
Đối với các khoản nợ công của Việt Nam đã được Nghị quyết Quốc hội quy định, cần tăng cường quản lý và hạn chế đối với nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
Ông Thụ cũng cho rằng, Chính phủ không nên tiếp tục tạo điều kiện để các địa phương vượt kế hoạch vốn.
“Nếu các địa phương cứ chi vượt dự toán, hình thành khối nợ khổng lồ, Trung ương lại chạy theo xử lý nợ sẽ dẫn đến xu hướng ủng hộ, tạo điều kiện cho các địa phương vượt kế hoạch vốn, dẫn đến kỷ luật tài chính không nghiêm. Trong trường hợp địa phương quá khó khăn, làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến nợ công cần buộc phải có giải pháp xử lý ngay. Tuy nhiên điều này phải được trình Quốc hội xem xét, hoặc ít nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xử lý, vì mục tiêu cuối cùng phải giữ vững an ninh tài chính, ổn định vĩ mô của tổng thể nền kinh tế”, TS Bùi Đức Thụ lưu ý.
Theo Bích Ngọc
Đất Việt