Người Trung Quốc mua bất động sản ở khắp nơi trên thế giới
(Dân trí) - Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục với 33 tỷ USD trong đầu tư bất động sản thương mại và nhà ở tại nước ngoài trong năm 2016, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu mới nhất từ Báo cáo Thị trường Vốn toàn cầu của JLL.
Trong ba năm vừa qua, lượng vốn đầu tư vào các phân khúc đất nền, văn phòng và khách sạn chiếm đến 90% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Loại hình khách sạn và khu công nghiệp lại cho thấy sự tăng trưởng vốn lớn nhất trong năm 2016, nhờ vào các giao dịch đầu tư đáng kể tại Mỹ và sự hấp dẫn của các khu công nghiệp đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.
"Hoạt động đầu tư khách sạn trong năm qua được thúc đẩy bởi thương vụ mua lại dự án khu nghỉ dưỡng Strategic Hotels and Resorts của công ty Bảo hiểm Anbang với tổng giá trị hơn 6 tỷ USD", theo ông David Green-Morgan, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường vốn toàn cầu, JLL.
Ông David Green Morgan cho biết: "Công ty Bảo hiểm China Life đã gia tăng khối lượng tài sản của họ trong phân khúc khách sạn và văn phòng bằng việc thâu tóm các danh mục đầu tư của Tập đoàn Starwood Capital và một tòa nhà văn phòng tại Manhattan; quỹ đầu tư quốc gia của Công ty Chinese Investment Corporation cũng đang sôi động đầu tư vào loại hình văn phòng tại New York".
Các giao dịch trong phân khúc đất nền đã làm các nhà đầu tư Trung Quốc quay trở lại vào năm ngoái, với mức tăng 44% chủ yếu ở Hồng Kông, Úc và Malaysia.
"Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực chính thu hút nguồn vốn đầu tư vào bất động sản toàn cầu trong nhiều năm tới", ông Green-Morgan chia sẻ. "Đà tăng trưởng này sẽ tiếp diễn trong năm 2017 nhưng có thể là thách thức cho các chính sách gần đây về việc Trung Quốc kiểm soát các nguồn vốn đầu tư nước ngoài", chuyên gia từ JLL nhận định.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ tại thị trường trong nước, chiếm hơn 86% lượng giao dịch tại Trung Quốc vào năm 2016, tăng khoảng 75% trong vài năm qua.
Các thành phố cấp 1 vẫn là những thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư, theo Johnny Shao, Tổng Giám đốc thị trường vốn của Thượng Hải và Đông Trung Quốc, JLL.
"Tổng khối lượng giao dịch tại Thượng Hải đạt 14 tỷ USD, chiếm 48% tổng khối lượng đầu tư của Trung Quốc. Bắc Kinh xếp thứ hai, chiếm 16% trong tổng khối lượng giao dịch trong năm 2016, trong khi Thâm Quyến đứng thứ ba, chiếm 10% trong tổng số," ông Shao nói.
Phương Dung