Khủng hoảng Kinh tế Châu Á 1997 - Một góc nhìn
(Dân trí) - Câu hỏi lớn đặt ra sau mỗi cuộc khủng hoảng luôn là làm thế nào một đất nước từ trạng thái tăng trưởng cao ngay trước cuộc khủng hoảng có thể biến chuyển rất nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái, sụt giảm kinh tế trầm trọng.
Trong những năm gần đây, nhiều thị trường mới nổi đã trải qua những cuộc khủng hoảng tài chính, như Mexico năm 1994, Châu Á năm 1997, Argentine 2001. Nhiều thắc mắc đã nảy sinh xung quanh cuộc khủng hoảng này và đòi hỏi có giải đáp tốt để có thể tránh được những cuộc khủng hoảng khác.
Trên góc độ kinh tế, Frederic Mishkin, tác giả cuốn sách The Economics of Money, Banking and Financial Markets, đã tiếp cận giải thích trên khía cạnh vấn đề thông tin bất cân xứng. Chúng ta thử đi theo dòng phân tích của ông để hiểu về cơ chế cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1997.
Tiến trình xảy ra cuộc khủng hoảng Châu Á rất khác với những gì đã xảy ở nước Mỹ, sự khác biệt này đến từ những đặc trưng khác nhau của cách thức tổ chức thị trường vốn và thị trường nợ. Hình dưới mô tả các giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng Châu Á.
Một trong những yếu tố căn bản dẫ đến cuộc khủng hoảng là tình trạng xấu đi nhanh chóng của bảng cân đối kế toán ngân hàng mà nguyên nhân trực tiếp là từ những khoản vay không có khả năng thanh toán ngày càng tăng.
Khi những quốc gia, đặc biệt ở khu vực Đông Á, bắt đầu nới lỏng các quy định với thị trường tài chính vào đầu những năm 1990, một làn sóng vay dâng lên rất cao, trong đó, hoạt động cho vay tín dụng với các khu vực kinh doanh phi tài chính tư nhân tăng đặc biệt nhanh.
Cũng đồng thời do khả năng giám sát yếu của các cơ quản điều hành pháp lý ngân hàng, bản thân ngân hàng thiếu chuyên gia trong việc theo dõi và giám sát hành vi của đối tương vay, những khoản lỗ do nợ xấu bắt đầu tăng lên, tác động tiêu cực đến cả nguồn vốn thực của ngân hàng. Nguồn lực bị bào mòn, ngân hàng không còn đủ khả năng cho vay, khi hoạt động cho vay không còn được tiếp tục, các hoạt động của nền kinh tế bị thu hẹp là điều dễ hiểu và tất yếu.
Tuy có nhiều điểm khác với những cuộc khủng hoảng va suy thoái xảy ra cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, vẫn có một số điểm chung quan trọng ta có thể đưa ra so sánh.
Một trong những điểm chung đó là sự biến động tăng giảm bất thường và bất ổn của thị trường chứng khoán ở giai đoạn trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng, góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng khủng hoảng.
Những quốc gia xảy ra tình trạng này rõ nhất là Thái Lan và Hàn Quốc. Với những quốc gia như Indonesia, Malaysia, và Philipines, tình trạng sụt giảm thị trường lại xảy ra đồng thời khi diễn ra cuộc khủng hoảng.
Tại Thái Lan và Hàn Quốc, trước khủng hoảng, nền kinh tế của những nước này đã chứng kiến sự sụp đổ của những tập đoàn tài chính và phi tài chính lớn, tác động tiêu cực và làm tăng tính bất ổn chung của thị trường tài chính trong nước.
Theo F.Mishkin, khi mà sự bất ổn tăng lên và giá trị ròng toàn thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm thì vấn đề thông tin bất cân xứng sẽ phát sinh.
Đối với ngân hàng, sẽ có nhiều khó khăn trong việc xác định đâu là đối tượng cho vay tốt và đâu là không tốt. Suy giảm giá trị ròng toàn thị trường cũng đồng nghĩa với việc suy giảm giá trị của tài sản thế chấp, ký quỹ, đồng thời tăng khả năng đối tượng nhận vay nợ thực hiện các khoản đầu tư có mức độ rủi ro cao do lượng tài sản họ mất đi nếu khoản đầu tư không thành công sẽ nhỏ hơn. Sự gia tăng mức độ bất ổn và suy giảm TTCK xảy ra trước khi thực sự diễn ra cuộc khủng hoảng, cộng với các bảng cân đối tài sản của ngân hàng ngày một xấu đi, tất cả góp phần làm nảy sinh nhiều hơn vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Tất cả sẽ góp phần làm cho nền kinh tế tiến ngày càng gần hơn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.
Đến giai đoạn này, hoạt động đầu cơ nở rộ, xuất hiện đặc biệt nhiều trên các thị trường ngoại hối, đẩy nền kinh tế vào cuộc khủng hoảng trên mọi phương diện.
Với Thái Lan, sự lo lắng về tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và suy yếu của hệ thống tài chính, đẩy lên đỉnh điểm bởi sự sụp đổ của một một công ty tài chính lớn - Finance One, đã đưa đến một "cuộc chiến đầu cơ" lớn, tác động làm cho Ngân hàng Trung ương Thái Lan phải cho phép thả nổi đồng baht vào 7/1997.
Không lâu sau, lại xuất hiện một "cuộc chiến đầu cơ" khác tác động vào những quốc gia còn lại trong khu vực và kết quả là sự sụp đổ dây chuyền của đồng peso Philipine, đồng rupiah Indonesia, đồng ringgit Malaysia và đồng won Hàn Quốc.
Cấu trúc tổ chức thị trường nợ khu vực Đông Á, tương tác với tình trạnh phá giá tiền tệ đẩy nền kinh tế khu vực tới cuộc khủng hoảng toàn diện. Có quá nhiều doanh nghiệp ở những quốc gia này có các khoản nợ phát hành bằng ngoại tệ như đồng USD hay yên Nhật. Sự mất giá đồng tiền trong nước làm cho tình trạng vay nợ, xét trên góc độ đồng nội tệ, thêm trầm trọng, ngay cả khi trên thực tế giá trị tài sản của họ không hề thay đổi.
Vào tháng 3/1995, khi đồng Peso mất nửa giá trị và tiền của các quốc gia như Thái Lan, Philipine, Malaysia và Hàn Quốc cũng mất trong khoảng từ một phần ba đến một nửa giá trị vào thời điểm đầu năm 1998, thì bản cân đối kế toán của hầu hết các doanh nghiệp đều đã xuất hiện những khoản lỗ lớn. Vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức trở lên trầm trọng. Trầm trọng nhất là Indonesia với đồng tiền mất giá đến 75% dẫn đến tình trạng vỡ nợ đối với những khoản nợ bằng ngoại tệ và giá trị những khoản nợ này không hề nhỏ, thậm chí rất lớn.
Một kết quả tất yếu khác từ sự mất giá tiền tệ là lạm phát thực tế và lạm phát kỳ vọng đều tăng, từ đó lãi suất trên thị trường cũng tăng chóng mặt. Doanh nghiệp và các hộ gia đình do đó cũng phải thanh toán lãi suất rất cao, tác động tiêu cực đến bảng cân đối tài sản của họ.
Thị trường nợ ở các quốc gia mới nổi khu vực Đông Á có đặc trưng là những hợp đồng nợ có kỳ hạn rất ngắn, thường là dưới một tháng. Do đó lãi suất ngắn hạn tăng lên ở những quốc gia này đồng nghĩa với tác động rất lớn đến dòng tiền và bảng cân đối kế toán của các đơn vị trong nền kinh tế.
Theo phân tích về tình trạng thông tin bất cân xứng của Mishkin, tác động xấu tới bảng cân đối tài sản, tiêu hao tài sản của doanh nghiệp và hộ gia đình làm cho các lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức đối với thị trường vay nợ cũng tăng theo và những tổ chức cho vay trong và ngoài nước không còn muốn tiếp tục cho vay nữa. Khi mà hoạt động cấp tín dụng và cho vay sụt giảm thì cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động của nền kinh tế bị đình trệ và tốc độ tăng trưởng GDP thực cũng sẽ sụt giảm theo.
| |
Tình trạng "xói mòn" tài sản trong nền kinh tế hình thành do các hoạt động trong nền kinh tế bị đình trệ, tình trạng xấu đi trong bản cân đối tài sản và xói mòn tài sản của từng doanh nghiệp, hộ gia đình. |
Kết quả, nó tác động tiêu cực hơn đến cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.
Những vấn đề mà các doanh nghiệp và hộ gia đình đang phải đối mặt là phần lớn những đơn vị cơ bản của nền kinh tế này đã không còn khả năng thanh toán nợ. Điều này quay trở lại gây thiệt hại cho ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng còn phải đối mặt với một vấn đề trầm trọng khác là khối lượng rất lớn những khoản nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ, trong khi đồng tiền trong nước bị phá giá. Giá trị của những khoản nợ này tăng lên vùn vụt và tiếp tục làm tiêu hao đi lượng tài sản thực đang còn rất ít của các ngân hàng.
Trong tình trạng đó, lẽ ra toàn bộ hệ thống ngân hàng đã có thể sụp đổ nếu không có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ - giống như những gì Chính phủ Mỹ đã làm trong cuộc Đại khủng hoảng - nhưng không phải với nội lực của từng quốc gia mà nhờ sự giúp đỡ của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Nhờ sự giúp đỡ này mà các quốc gia Đông Á tránh được một vụ sụp đổ với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, với lượng vốn mà các ngân hàng đã mất thì sự can thiệp của Chính phủ nhằm chống đỡ cho hệ thống ngân hàng cũng không thể ngăn được năng lực cho vay của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Mishkin giải thích khủng hoảng của hệ thống ngân hàng với những đặc tính như mô tả tạo lên một rào cản và gây khó khăn đối với các họat động cho vay của ngân hàng, làm trầm trọng thêm các vấn đề về lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức trên thị trường tài chính, ngân hàng mất dần vai trò truyền thống trung gian tài chính.
Các quốc gia Đông Á biến động thế nào trong cuộc khủng hoảng:
Philippines
Tháng 5/1997, Ngân hàng Trung Ương (NHTƯ) Philippines tăng lãi suất lên1,75 điểm phần trăm và tiếp tục tăng lên 2 điểm vào tháng 6/1997. Ngày 3/7/1997, một ngày sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra tại Thái Lan, NHTƯ Philippines bị buộc phải can thiệp sâu vào thị trường nhằm bảo vệ đồng peso, tăng mức lãi suất vay qua đêm từ 15% lên 24%. Giá trị đồng peso giảm mạnh từ 26 peso ăn một USD lên 38 peso vào năm 2000, và lên 40 peso khi kết thúc cuộc khủng hoảng.
Hồng Kông
Cuộc khủng hoảng nổ ra 24 giờ sau khi Vương Quốc Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc. Tháng 10/1997, tỉ giá đô-la Hong Kong được cố định so với đô-la Mỹ là 7,8 nhưng chịu sức ép rất lớn từ hoạt động đầu tư bởi lạm phát của Hong Kong đã cao hơn rất nhiều so với lạm phát của Mĩ và tình trạng này kéo dài nhiều năm. Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đã chi hơn một tỉ USD để bảo vệ đồng tiền trong nước.
Tuy giữ được tỉ giá đồng tiền, TTCK Hong Kong trở lên cực kỳ bất ổn, chỉ số Hang Seng tụt 23% chỉ trong vòng ba ngày từ 20-23/10/1997. Lãi suất tiền vay qua đêm được nâng lên chóng mặt, đứng trước sức ép từ hoạt động đầu cơ, Chính phủ Hồng Kông khẳng định tuyên chiến với hoạt động đầu cơ. Chính phủ đã kết thúc cuộc chiến này bằng việc bỏ ra xấp xỉ 120 tỉ đô-la Hồng Kông (khoảng 15 tỉ USD) để mua lại cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, trở thành cổ đông lớn trong một số công ty, chẳng hạn tại HSBC Chính phủ năm 10% cổ phần.
Hàn Quốc
Hàn Quốc được xếp hạng thứ 11 trong số những nền kinh tế lớn trên thế giới. Khi khủng hoảng xảy ra, với tình trạng kém cỏi sẵn có của hệ thống ngân hàng bắt nguồn từ những khoản nợ kém hiệu quả rất lớn, Moody's đã hạ bậc tín dụng của Hàn Quốc từ A1 xuống A3 vào tháng 11/1997 và tiếp tục hạ xuống B2 vào tháng 12.
Sự kiện này góp phần làm thị TTCK Hàn Quốc sụt giảm mạnh hơn, giảm 4% vào 7/11/1997, giảm tiếp 7% vào ngày 8/11 và 7.2% vào ngày 24/11/2997 khi có tin IMF yêu cầu Hàn Quốc thực hiện cải tổ hệ thống tài chính.
Năm 1998, Hyundai Motor mua lại Kia Motors. Quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 5 tỉ USD của Samsung cũng giải thế do tác động quá mạnh của cuộc khủng hoảng, tiếp đó Daewoo Motors phải bán lại cho General Motors.
Đồng won Hàn Quốc giảm từ 1000 xuống 1700 won đổi một USD. Dù có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện GDP trên đầu ngườ, sau khủng hoảng, nợ quốc gia của Hàn Quốc tăng gấp ba lần so với trước đó.
Malaysia
Trước khủng hoảng, tài khoản vãng lai của Malaysia thâm hụt 5%. Malaysia là quốc gia nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, điều này phản ánh qua việc KLSE (sàn giao dịch chứng khoán chính thức của Malaysia) được coi là sàn giao dịch có hoạt động mạnh nhất trên thế giới (tổng giá trị giao dịch thậm chí vượt qua cả NYSE mặc dù có mức vốn hóa thị trường thấp hơn rất nhiều). Ở thời điểm đó, mọi người đều kỳ vọng quốc gia này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và trở thành nước phát triển vào năm 2020.
Vào thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng, KLSE Index đang ở mức 1.200, đồng ringgit được giao dịch ở tỉ lệ 2.5:1 so với USD, lãi suất qua đêm dưới 7%. Lãi suất qua đêm tăng từ dưới 8% lên 40%, làm cho mức đánh giá tín dụng tụt xuống và xảy ra làn sóng bán chứng khoán và tiền tệ ồ ạt.
Cuối năm 1997, mức đánh giá tín dụng tụt xuống dưới mức bình quân cho các khoản đầu tư không đảm bảo, KLSE mất 50% điểm, tụt xuống dưới 600, đồng ringgit cũng mất 50% giá trị, còn 3.8 đồng đổi 1 USD. Năm 1998, GDP giảm 6,2%, đồng ringgit mất thêm 4,7% giá trị và KLSE tụt xuống dưới 270 điểm.
Nước Mỹ và Nhật Bản
Dịch cúm Châu Á cũng có ảnh hưởng đến nước Mỹ và Nhật Bản. Nền kinh tế tuy không sụp đổ nhưng cũng bị tác động nặng nề. Ngày 27/11/1997, chỉ số DJ công nghiệp giảm 554 điểm, tương đương 7,2%, NYSE tạm ngừng giao dịch trong thời gian ngắn.
Nhật Bản cũng chịu nhiều ảnh hưởng do là nền kinh tế lớn trong khu vực. Nhiều nước Châu Á khác ở trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại với Nhật Bản. Vào cuộc khủng hoảng, đồng yen Nhật giảm còn 147:1 với USD khi có những đợt bán ra ồ ạt. Tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật giảm từ 5% xuống còn 1,6%. Cuộc khủng hoảng Châu Á cũng làm một số doanh nghiệp ở Nhật phá sản.
Tham khảo thêm về khủng hoảng tài chính với hệ thống ngân hàng.
Lưu Quý Phương (saga.vn)