1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính châu Á?

(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc vừa công bố Báo cáo kinh tế và xã hội 2007, trong đó lưu ý khả năng tái diễn khủng hoảng tài chính ở châu Á trong thời gian tới là rất lớn.

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vào 4 nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Philippine, vì những nước này đang tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn, như tiền chảy vào các quỹ đầu tư nhiều, dẫn đến việc tỷ giá hối đoái tăng cao, tư bản "chảy" ra nước ngoài khiến rủi ro càng lớn, cũng như giá dầu tăng sức ép lạm phát.

 

Báo cáo cho rằng không loại trừ khả năng 4 nước này sẽ gây ra phản ứng dây chuyền tiêu cực.

 

Tuy nhiên, phân tích từ nhiều góc độ, hầu hết các chuyên gia kinh tế trong khu vực khẳng định rằng khủng hoảng tài chính châu Á khó tái diễn trong bối cảnh hiện nay. 

 

Nguy cơ thấp

 

Tình hình kinh tế, tài chính của châu Á đã thay đổi so với trước, đồng thời có nhiều dấu hiệu cho thấy khủng hoảng tài chính châu Á khó tái diễn, chủ yếu thể hiện trên ba phương diện sau:

           

Thứ nhất, chính sách tiền tệ của các nước Đông Á đã thay đổi. Hiện nay, đồng nội tệ của các nước Đông Á không còn gắn đơn nhất với đồng USD, mà hầu hết các nước Đông Á đều đã áp dụng chính sách "rổ tiền tệ" có tính linh hoạt cao, tức là gắn kết đồng nội tệ với một "rổ" gồm nhiều đồng tiền khác nhau. 

 

Do đó, nếu chỉ có đồng USD mất giá sẽ chưa đủ tạo ra mối đe dọa lớn đối với đồng tiền của các nước Đông Á, vì còn có các đồng tiền khác, như euro, đang lên giá. Thực tế là gần đây mặc dù USD liên tiếp mất giá nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đồng tiền của các nước Đông Á.

 

Thứ hai, ảnh hưởng của luồng vốn ngắn hạn không lớn. Hầu hết các chuyên gia kinh tế khu vực thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 là do luồng vốn ngắn hạn chảy vào quá nhiều, gây biến động tài chính khu vực và khiến tình hình khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tư bản ngắn hạn cũng có vai trò thúc đẩy hành vi hoạt động sáp nhập và mua lại trong cộng đồng doanh nghiệp, từ đó có lợi cho sự phát triển kinh tế các nước châu Á.

 

Thêm vào đó, tỷ giá hối đoái của các nước Đông Á đang tăng cao, không hẳn là do sự xâm nhập của tư bản ngắn hạn, mà còn do những ảnh hưởng trực tiếp từ sự phát triển của thị trường chứng khoán quốc tế và thị trường chứng khoán Mỹ. Thực tế là các nước châu Á, nhất là khu vực Đông Á, vẫn duy trì phát triển kinh tế ổn định, cho thấy ảnh hưởng của tư bản ngắn hạn đối với các nước châu Á đã không còn như trước đây, càng không thể làm đảo lộn chính sách tài chính tiền tệ của các nước trong khu vực.

 

Thứ ba, chưa xuất hiện tình trạng luồng vốn chảy ra nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lần trước, hiện tượng vốn chảy ra bên ngoài đã có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, cần phải nhận thức được nguyên nhân khiến tư bản chạy ra nước ngoài, ngoài môi trường đầu tư xấu ra, còn có các nguyên nhân khác như xu thế phát triển kinh tế chậm lại. 

 

Châu Á, nhất là khu vực Đông Á, đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, môi trường phát triển kinh tế tốt. Đà phát triển của một số nước thị trường mới nổi như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam được đánh giá khá cao. Từ đó, các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng trong thời gian tới châu Á, nhất là khu vực Đông Á sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư lý tưởng, chứ không phải là tư bản sẽ "chạy khỏi" châu Á. Vì vậy, có thể nói rằng khả năng tái bùng phát một cuộc khủng khoảng tài chính tại khu vực này gần như là không có.

 

Vai trò của Trung Quốc và Nhật Bản

           

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997/1998 sở dĩ chưa khơi sâu là do Trung Quốc kiên trì không phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT).

           

Hiện nay các nước phương Tây không ngừng yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng NDT, nhưng xuất phát từ lợi ích quốc gia, cũng là vì lợi ích của khu vực châu Á, Trung Quốc đã đứng vững trước mọi sức ép quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng đồng NDT sẽ tăng giá từ từ.

 

Hành động này, ngoài việc có lợi cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ra, còn góp phần ổn định đồng tiền của các nước Đông Á và rộng hơn là các nước châu Á, từ đó tạo điều kiện cho kinh tế khu vực tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

 

Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả khi kinh tế Mỹ suy sụp, mặc dù sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế châu Á, nhưng do kinh tế Nhật Bản và kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng, châu Á vẫn đủ sức để chống chọi với ảnh hưởng tiêu cực do kinh tế Mỹ phát triển chậm lại gây ra.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế quốc tế cũng cảnh báo rằng khi nói khủng hoảng tài chính châu Á ít có khả năng tái diễn, không có nghĩa là tất cả mọi rủi ro đều đã được xóa bỏ. Trên thực tế, nền kinh tế châu Á còn tồn tại không ít rủi ro, một trong số đó chính là kết cấu kinh tế theo mô hình hướng ngoại, lấy xuất khẩu làm chủ đạo vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.

 

Mặc dù các nước Đông Á không muốn dựa quá nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, nhưng vì chưa kiên trì nên rốt cục kinh tế châu Á vẫn dựa vào xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng kết cấu kinh tế như vậy nếu không thay đổi triệt để, rủi ro kinh tế tài chính của châu Á sẽ tiếp tục tồn tại.       

 

Anh Đức