Hơn 67% nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép?
(Dân trí) - 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định về hàm lượng Arsen tổng (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/L. Trong đó, hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt theo quy định dao động từ trên 1,0mg/L đến 5 mg/L
Đây là kết quả trong đợt khảo sát nước mắm trên toàn quốc được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Liên Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam công bố chiều nay (17/10) tại Hà Nội.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký VINASTAS cho biết, khảo sát này được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước với 150 mẫu nước mắm đóng chai được lấy trên thị trường.
Cụ thể, theo kết quả của đợt khảo sát 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và 1 mẫu của Thái Lan.... cho thấy có 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 tiêu chuẩn trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá.
Trong đó có 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hoá; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin, 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac.
Đặc biệt có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Tuấn, quy định của Bộ Y tế về hàm lượng thạch tín cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0mg/L. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm chất này trên các mẫu lấy được cho thấy có đến 101/150 mẫu không đạt quy định. Hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0mg/L đến 5mg/L.
Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu các hàm lượng Arsen càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L), đây là loại Arsen gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, Arsen tổng cần được giới hạn quy định theo các Tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5107:2003; QCVN8-2:2011/BYT và CODEX STAN 302:2011.
Từ những kết quả nêu trên, VINASTAS kiến nghị các cơ quan chính phủ, các cơ quan quản lý cần sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang được sản xuất, lưu thông trên thị trường. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn nước mắm và công bố kết quả kiểm tra, xử ý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, VINASTAS cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của các sản phẩm nước mắm như: phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, dung lượng.... một cách chính xác, trung thực.
"Như vậy nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo ngại", ông Tuấn nói. Ông Tuấn lí giải: "việc công bố danh sách 88 thương hiệu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép không thuộc trách nhiệm của Vinastas mà thuộc về cơ quan quản lý. Mục đích của khảo sát này là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của ngành nước mắm. Sau hội thảo, nếu cơ quan quản lý nhà nước cho phép công bố chúng tôi mới công bố".
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng - Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nói thêm, đến nay vẫn chưa thể kết luận Arsen hữu cơ hoàn toàn không độc hại, nên đây mới chỉ là kết quả sơ bộ cần nghiên cứu thêm.
Ông Vương Ngọc Tuấn cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nước mắm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe.
Liên quan đến những ồn ào quanh chất lượng nước mắm thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết cơ quan chức năng đang thanh tra chất lượng nước mắm. Ông Phong cho biết sau khi có kết quả thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ thông tin tới các cơ quan truyền thông.
PGS.TS Đặng Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), một chuyên gia nghiên cứu về asen cho biết: Nước mắm thường chủ yếu làm từ các loại cá biển (cá cơm, cá thu, cá nục…) và rút chiết ra dưới dạng nước. Tùy theo độ đạm trong nước mắm mà người ta phân cấp độ (nước mắm cốt, nước mắm loại 1, nước mắm loại 2).
Thông thường thì hàm lượng asen trong cá là không cao, thường nằm trong ngưỡng cho phép nên việc nước mắm nhiễm asen từ đây là rất khó. Chính vì thế, nguyên nhân có thể là do sử dụng các chất phụ gia có chứa asen. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của asen hữu cơ thấp hơn rất nhiều so với vô cơ.
“Bản thân trong cơ thể con người luôn có một hàm lượng asen nhất định. Mỗi một sinh vật đều là một vũ trụ thu nhỏ, ở xung quanh có cái gì thì ở trong cơ thể có cái đó. Theo tôi thì không có vấn đề gì lớn bởi lượng nước mắm hàng ngày chúng ta ăn là rất ít, thông thường khoảng 5-10ml/ngày. Nếu nước mắm này có nhiễm arsen rất nặng đi chăng nữa thì lượng arsen vào trong cơ thể người vẫn ở mức cho phép” – PGS Côn cho hay.
Cũng theo PGS Côn, nếu hàm lượng arsen trong cơ thể người ở hạn mức cho phép thì nó sẽ tự đào thải ra ngoài.
Ông cũng cho rằng, việc nước nắm có asen hữu cơ vượt ngưỡng cho phép cần phải được thông tin rõ ràng như là ở đâu, dùng công nghệ gì, chất phụ gia như thế nào… để từ đó có đánh giá chính xác, tránh tình trạng “đánh đồng” cũng như thông tin mập mờ khiến dư luận lo lắng. (Nguyễn Hùng ghi)
Nguyễn Tuyền - Hồng Hải