1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Grab "thâu tóm" Uber, thị trường xe cũ thêm cú bồi, tiếp tục "ngủ đông"

(Dân trí) - Bán chậm hoặc không bán được, nhiều đại lý, showroom xe hơi Hà Nội từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay vẫn đang ở trạng thái "ngủ đông". Tình hình khó cải thiện hơn khi nhiều yếu tố không thuận như xe nhập về nhiều, giá giảm, nhu cầu xe cho kinh doanh dịch vụ giảm đi bởi Uber vừa bị Grab "thâu tóm"...

Mất ưu thế xe chạy lướt và giảm chi phí

Thực tế, nhiều người chọn mua xe cũ, xe chạy lướt bởi các dòng xe này có thể tiết kiệm được lượng tiền chi phí ban đầu như thuế trước bạ, phí cấp biển số và đăng kiểm xe, cộng với giá xe cũ cũng có thể rẻ hơn so với xe mới... Lợi thế so sánh về giá thời gian qua luôn luôn đứng về xe cũ, xe chạy lướt.

Việc Grab thâu tóm Uber bồi thêm những khó khăn đối với thị trường xe cũ, nơi mà trước đó một bộ phận xe đến tay người dân vì mục đích chạy Uber hoặc Grab.
Việc Grab thâu tóm Uber bồi thêm những khó khăn đối với thị trường xe cũ, nơi mà trước đó một bộ phận xe đến tay người dân vì mục đích chạy Uber hoặc Grab.

Tuy nhiên, trường hợp giá rẻ, đi kèm với chất lượng tốt chỉ xảy ra với trường hợp xe chạy lướt, xe cũ tuổi đời không dưới 2014 -2015, còn đối với xe có tuổi đời quá sâu thì những lợi thế này không còn. Người mua sẽ đặt ra câu hỏi: giá rẻ, đi kèm chất lượng xuống, tuổi thọ xe thấp và linh kiện đã đến lúc phải thay đồng bộ, đại trà.

"Dạng xe chạy lướt phải có tuổi đời 2014 trở lại đây mới bán được, còn sâu hơn thì khó đẩy xe. Xe chạy lướt phân khúc C và D giá cũng khoảng 350 triệu đồng đến 600 hoặc 800 triệu đồng rồi. Còn phân khúc loại A và B có giá rẻ hơn nhưng lại khó bán vì khách sợ phải bảo dưỡng liên tục", đại lý xe cũ trên đường Phạm Hùng cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các đại lý xe cũ ở Hà Nội ngại bán xe dòng cao cấp, loại hàng chủ yếu của họ là các dòng xe có giá tầm trung, xe gầm cao, xe đa dụng hoặc những chiếc xe "lành tính", chạy dịch vụ như Kia Morning, Hyundai i10, Getz, Deawoo...

Điều này cho thấy phân khúc và sự lựa chọn của người tiêu dùng đang ngày một thiết thực hơn và các đại lý cũng đang phải đáp ứng nhu cầu thị trường, tự cứu mình và phục vụ người mua hàng.

Tuy nhiên, hiện nay để bán được xe cũ không phải đơn giản, nhiều đại lý và showroom có thâm niên kinh doanh hàng chục năm, có đủ hệ thống móc nối địa điểm kinh doanh tại các vùng miền thời điểm này ngao ngán khi doanh số bán giảm.

Một đại lý xe hơi cũ trên đường Tố Hữu cho phóng viên Dân trí biết, họ rất ngao ngán khi chứng kiến những khoản tiền trăm triệu qua nhiều ngày vẫn nằm chờ trong gara, trong khi đó số tiền vay trả ngân hàng không phải là nhỏ.

Với một thị trường có nhiều yếu tố bất ổn, lượng xe nhập sắp ồ ạt về, giá xe sẽ được xác định trong tháng 4 và tháng 5 tới, thị trường xe cũ còn tiếp tục ảm đạm thêm.

"Thị trường ảm đạm là xu thế chung nhưng đối với đại lý xe tư nhân thì quá khốc liệt. Từ khi chúng tôi bị "bịt" đường nhập xe từ Trung Đông, Mỹ hay Hàn Quốc thì nguồn cung xe cũ chủ yếu là xe trong nước. Mà nói đến xe cũ trong nước thì không ai muốn mua bởi chất lượng không thể bằng xe cũ nhập được", ông Việt, chủ kinh doanh xe cũ tại phố Tố Hữu nói.

Theo các đại lý, việc giảm giá các dòng xe mới cũng khiến cho dân kinh doanh xe cũ bị ảnh hưởng. Đa số đại lý tránh mua những chiếc xe cũ đang giảm giá mạnh thời gian gần đây như CRV 5 chỗ đời cũ, Hyundai SantaFe, Mazda CX5... thay vào đó là những dòng xe giữ giá trên thị trường như: Toyota Innova, Vios, Ford Everest hay Honda City, Civic.

Xe mới bán chậm, tâm lý chờ đợi, dò giá

Theo khảo sát tại một số đại lý xe hơi của các thương hiệu lớn, thời điểm này không có nhiều người đặt mua xe, nhất là trong bối cảnh sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhu cầu đi lại không cao; một số loại xe nhập khẩu chuẩn bị vào sẽ chứng kiến cuộc giảm giá tiếp theo. Và nếu những ai mua xe chỉ để chạy dịch vụ thì thông tin Uber bị Grab thâu tóm mới đây và các chính sách thắt chặt xe hợp đồng điện tử khiến họ cân nhắc, tính toán hơn.

Theo nhân viên bán hàng của đại lý xe hơi lớn trên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, mọi năm tháng 3 dương là bắt đầu đông khách mua xe, doanh thu có thể bằng 60-70% trước Tết.

Tuy nhiên, lượng mua năm nay có nhiều yếu tố bất lợi, do ảnh hưởng của tâm lý chờ xe nhập khẩu và lo mất giá. Nếu các dòng xe nhỏ, xe chạy kinh doanh được xem là "miễn nhiễm" trước các cuộc chiến về giá, đáng lẽ doanh số sẽ cao hơn. Tuy nhiên, hiện phân khúc này rất trầm lắng, người mua không lo mất giá khi sở hữu dòng xe này mà chủ yếu là do nhu cầu đi lại và kinh doanh giảm xuống.

Đối với các loại xe sedan, SUV, Crossover, MPV tầm trung hoặc cao cấp, nơi có sự hiện diện cạnh tranh quyết liệt về giá của các loại xe nhập khẩu thì thị trường có phân hóa rõ rệt, người tiêu dùng sợ phải mua những chiếc xe mà chỉ sở hữu 1 tháng lại mất giá hàng trăm triệu đồng.

Anh Thạnh, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, chủ xe CRV 7 chỗ đời mới khá tiếc vì quyết định mua xe trước Tết Nguyên đán bởi nếu so với giá mới được Honda công bố, dòng xe mà anh Thạnh sở hữu mất giá 210 triệu đồng (giá lăn bánh).

Nguyễn Tuyền

Grab "thâu tóm" Uber, thị trường xe cũ thêm cú bồi, tiếp tục "ngủ đông" - 2
Dòng sự kiện: Grab thâu tóm Uber

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm