ĐBSCL:
Giá lúa tăng từng ngày do hạn, mặn gay gắt
(Dân trí) - Thống kê ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL cho biết, ngoài số diện tích 160.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn thì diện tích lúa thu hoạch được trong vụ đông xuân 2016 giảm từ 0,3 - 0,5 tấn/ha. Cũng vì lí do này, giá lúa mấy ngày qua liên tục tăng cao.
Trước tết Bính Thân 2016, giá lúa tươi IR 50404 chỉ khoảng 4.300 – 4.400 đồng/kg; giá lúa Jasmine tươi từ 4.500 – 4.600 đồng/kg. Tuy nhiên qua Tết, hai loại lúa này bất ngờ giảm từ 100 – 200 đồng/kg, nhưng khoảng hơn nửa tháng 02/2016 thì bất ngờ tăng trở lại. Cụ thể khoảng đầu tháng 3/2016, lúa tươi IR 50404 có giá từ 4.400 – 4.500 đồng/kg; lúa Jasmine tươi từ 4.700 – 4.900 đồng/kg.
Anh Nguyễn Thanh Hiên – xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, gia đình anh làm 1,5 ha lúa IR 50404 cách đây hơn 1 tuần chỉ bán được 4.500 đồng/kg. Nhưng không ngờ hiện nay giá lúa tăng lên 5.000 đồng/kg, tính ra mất hơn 7 triệu đồng/15 tấn lúa mà anh đã bán cách đây hơn 1 tuần.
Bà Nguyễn Thị Mi – Phú Tân, An Giang cho biết, gia đình bà làm 2 ha lúa Jasmine với năng suất trung bình 1 tấn/công. Theo bà Mi nếu so với năm rồi thì 1ha lúa năng suất giảm 500 kg lúa. Đã vậy, tại thời điểm bà Mi bán chỉ ở mức 4.800 đồng/kg lúa tươi, nhưng hiện nay giá lúa tươi loại này đã tăng lên 300 đồng/kg.
Theo ngành nông nghiệp nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL cho biết, năng suất vụ lúa đông xuân 2015 – 2016 từ 6,2 - 6,5 tấn/ha, giảm khoảng 0,3 - 0,5 tấn/ha so cùng kỳ. Nguyên nhân làm năng suất vụ lúa đông xuân giảm là do thời tiết năm nay khó khăn, hạn, mặn, sương muối… Đặc biệt là một số tỉnh hưởng lợi từ mùa lũ, được phù san bồi đắp ruộng đất như An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… thì năm nay xem như mất trắng nên cũng là lí do làm năng suất lúa giảm.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, giá lúa ở ĐBSCL mấy ngày qua liên tục tăng, cụ thể giá lúa có phẩm cấp thấp như IR 50404 thương lái mua tại đồng từ 5.000 – 5.300 đồng/kg, lúa khô từ 5.900 – 6.000 đồng/kg; Lúa Jasmine tươi ừ 5.400 – 5.500 đồng/kg, lúa khô từ 6.200 – 6.300 đồng/kg.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Nguyên Nam – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, nguyên nhân giá lúa tăng liên tục mấy ngày qua là do ảnh hưởng từ hạn mặn, sản lượng lúa cả ĐBSCL giảm vì có trên 100.000 ha lúa bị thiệt hại. Ngoài ra, giá lúa tăng vì các nước tăng cường mua gạo dự trữ. Tuy nhiên, chỉ sợ khi giao hết số lượng gạo theo hợp đồng tập trung, không có hợp đồng mới thì giá gạo sẽ giảm. Hơn nữa các hợp đồng thương mại hiện nay cũng chưa có cũng là nguyên nhân có thể làm giá lúa giảm trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo cả nước trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt trên 856.000 tấn gạo (cao hơn cùng kỳ gần 102%), trị giá FOB gần 348 triệu USD. Việc tăng số lượng xuất khẩu chủ yếu từ các hợp đồng của năm 2015 chuyển sang.
Còn thống kê của Bộ NN-PTNT, tính đến nay ở đồng bằng sông Cửu Long có 160.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tương đương 800.000 tấn lúa mất trắng, 300.000 hộ với khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập.
Do lúa tăng giá nên nhiều nông dân ĐBSCL đang tranh thủ xuống giống vụ hè thu, trong khi đó Bộ NN-PTNT cũng như một số ngành chức năng đã cảnh báo ở những vùng bị xâm nhập mặn trên 3‰ tuyệt đối không sạ lúa vào lúc này mà phải chờ mưa xuống để giảm độ mặn; những vùng nhiễm mặn dưới 3‰ có thể xuống giống nhưng phải sử dụng giống chịu mặn, ngắn ngày…
Theo dự báo, nếu hạn, mặn kéo dài đến tháng 6/2016 thì vụ hè thu này toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha lúa bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu bà con nông dân không tuân thủ các nguyên tắc của ngành chức năng về thời điểm gieo sạ cũng như giống lúa… sẽ không lường trước những thiệt hại xảy ra trong vụ lúa hè thu, khi tình trạng hạn, mặn đang diễn ra gay gắt như hiện nay.
Nguyễn Hành