1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh Hóa:

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn chậm tiến độ

(Dân trí) - Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đóng trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam đến thời điểm này. Tuy nhiên, do một số hạng mục chưa đạt được theo đúng tiến độ đã đề ra nên dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) với sự đầu tư của 4 Tập đoàn lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Kuwait Petroleum Europe B.V. (KPE), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản với tổng mức vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD.

Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra

Theo tiến độ đề ra, dự án sẽ hoàn thành việc lắp đặt cơ khí cuối năm 2016 (tháng 11/2016) và lúc đó tổng thầu EPC là JGCS (là liên doanh nhà thầu do Công ty JGC (Nhật Bản) đứng đầu và các thành viên khác bao gồm: Chiyoda (Nhật Bản), GS E&C (Hàn Quốc), SK E&C (Hàn Quốc),Technip France (Pháp), và Technip Geoproduction (Malaysia) sẽ tiến hành bàn giao cho NSRP để triển khai công tác khởi động và chạy thử nhà máy.

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đối với dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đến cuối năm 2016, về tiến độ tổng thể thực hiện hợp đồng EPC đạt 93,8%, chậm 2,9% so với kế hoạch, trong đó thiết kế và chế tạo đã cơ bản hoàn thành; xây lắp đạt 98,1%; tiền chạy thử (Pre-Commissioning) đạt 52,01%.

Tổng thầu JGCS đã chính thức không đạt được mốc hoàn thành cơ khí như quy định trong hợp đồng EPC (tháng 11/2016). Chủ đầu tư là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP đã gửi thông báo cho Tổng thầu về việc chậm tiến độ và phạt chậm hợp đồng.

Hiện nay, PVN, NSRP, Tổng thầu và các bên liên quan đang nỗ lực hết sức trong phạm vi nguồn lực cho phép, ưu tiên hoàn thành các công việc trên đường găng (như Boilers, STG, ...) và hoàn thiện cơ khí các phân xưởng công nghệ vào tháng 1/2017 (tháng thứ 42) để tiến hành chạy thử các phân xưởng này nhằm giảm tác động đến mốc vận hành thương mại.

Chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện chi tiết cho công tác chạy thử nhà máy (công việc này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi hợp đồng EPC), tuy nhiên đang gặp một số khó khăn trong việc mua các sản phẩm trung gian phục vụ chạy thử đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của nhà cung cấp bản quyền công nghệ (Licensor). Các bên góp vốn đã yêu cầu NSRP tìm giải pháp thay thế, đảm bảo không ảnh hưởng tiến độ, chi phí và có cam kết bảo đảm vận hành của Licensor.

Trao đổi về vấn đề này với PV Dân trí chiều nay (20/3), ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chậm là do họ thực hiện các việc thi công thôi chứ không ảnh hưởng gì. Họ chậm khoảng gần 3 tháng, nhưng cái này là trong thực hiện thầu EPC thì người ta cho phép. Việc này do họ thiết kế một số hạng mục nó chưa đủ so với thiết kế, thì họ đầu tư thêm, lắp đặt thêm nên nó chậm”.

Cũng theo ông Thi, dự kiến tháng 3/2017 dự án sẽ vận hành cơ khí một phần, từng bộ phận và hiện đang vận hành cơ khí từng bộ phận một. Đến tháng 5/2017, dự án sẽ vận hành cơ khí toàn bộ nhà máy, tháng 7 chạy thử, bao gồm có cả sản phẩm và tháng 10 sẽ là chính thức vận hành thương mại.

Liên quan đến câu hỏi dự án chậm tiến độ, ông Thi lý giải: “Trong tổng nhà máy thì không thể nói là khâu nào được, mà cái này là tổng thầu EPC, tức là tổng thầu xây lắp và chuyển giao, bao gồm tất cả các hạng mục chứ không phải một lĩnh vực nào. Không gọi là chậm tiến độ, mà tức là chậm cho phép của họ, do họ, cái này không phải dự án đầu tư của Nhà nước Việt Nam, mà dự án đầu tư của các liên doanh, chậm là do họ thôi”.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về việc chậm khâu nào của dự án, ông Thi cho biết: “Chậm hợp đồng đối với nhà thầu, tức là Công ty lọc hóa dầu không phải đứng ra làm luôn mà phải có một tổng thầu xây lắp và xây dựng, lắp đặt máy móc và chuyển giao công nghệ. Tổng thầu này họ chịu trách nhiệm với nhà đầu tư, chủ đầu tư, chứ không phải Chính phủ Việt Nam. Về phía Việt Nam mình đã cung cấp đầy đủ các điều kiện theo cam kết của Chính phủ Việt Nam: thứ nhất là trạm biến áp và điện, thứ hai là giao thông, thứ ba là nước thì đầy đủ, không thiếu gì. Chậm hay không là do nhà đầu tư họ phải chịu”.

“Một dự án lớn như vậy thì, tôi nghĩ chậm đến 5 - 6 tháng là bình thường. Đây là dự án lớn, so với các dự án đầu tư lớn trên thế giới thì dự án này là cũng đứng đầu rồi, vì xây dựng có 40 tháng mà như vậy là quá nhanh rồi”, ông Thi đánh giá.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm