Đồng dollar mạnh lên sau khi ông Trump giành chiến thắng và hệ quả với nền kinh tế toàn cầu

(Dân trí) - Nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và sự mạnh lên của đồng USD chỉ càng làm cho nền kinh tế toàn cầu suy yếu thêm.


Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đồng USD tăng giá mạnh chỉ làm kinh tế toàn cầu yếu đi

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đồng USD tăng giá mạnh chỉ làm kinh tế toàn cầu yếu đi

Trong ba tuần kể từ khi ông Donald Trump dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng USD đã tăng giá mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác. Hiện nay, đồng USD đang cao hơn mức thấp của năm 2011 đến 40%.

Không những vậy, đồng bạc xanh còn tăng giá so với các ngoại tệ từ thị trường mới nổi. Theo đó, tỉ giá đồng Nhân dân tệ đã xuống mức thấp nhất từ năm 2008. Các đồng tiền tệ khác của châu Á cũng giảm mạnh chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-98.

Đồng USD đã dần dần mạnh lên từ nhiều năm nay. Nhưng đợt tăng đột biến mới nhất được cho là phản ứng của thị trường đón đầu những thay đổi căn bản về chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời Tổng thống mới. Theo đó, các nhà đầu tư đã đặt cược vào việc ông Trump sẽ giảm thuế kết hợp với tăng chi tiêu công để cải thiện cơ sở hạ tầng xuống cấp ở nhiều nơi trên nước Mỹ.

Việc Tổng thống sử dụng chính sách tài khoá mở rộng này sẽ dẫn đến việc Cục dữ trữ Liên bang Mỹ FED buộc phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn để kiểm soát lạm phát. Lãi suất tăng sẽ thu hút đầu tư vào Mỹ.

Việc đồng USD mạnh lên có những tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Theo một đánh giá năm 2014, vùng USD, bao gồm Mỹ và các nước có đồng tiền dao động cùng chiều với đồng USD, chiếm đến 60% dân số thế giới và 60% GDP.

Hệ quả

Ảnh hưởng đầu tiên là sẽ tăng gánh nặng trả nợ ở các thị trường đang phát triển. Một thời gian dài sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, FED duy trì lãi suất thấp khiến đầu tư vào Mỹ không còn hấp dẫn. Tận dụng cơ hội này, chính phủ và các doanh nghiệp lớn ở các thị trường mới nổi đã bán trái phiếu phát hành bằng đồng USD để thu hút đầu tư từ những người giữ ngoại tệ này. Theo một ước tính của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, một diễn đàn của những người đứng đầu ngân hàng Trung ương các nước, cho đến cuối năm ngoái khoảng tiền này vào khoảng 10,000 tỉ USD, một phần ba trong số đó ở thị trường mới nổi.

Đồng USD mạnh lên cũng sẽ gây tác động mạnh đến hoạt động thương mại của Mỹ, khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ vốn đã cao càng trở nên trầm trọng. Tình trạng gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ khiến cho ông Trump càng quyết tâm thực hiện chính sách bảo hộ của mình bao gồm đánh thuế mạnh các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico. Những chính sách này sẽ để lại những hậu quả trầm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Điều gì sẽ đến?

Điều này phụ thuộc vào việc đồng USD sẽ diễn biến thế nào. Tinh thần chung của các nhà đầu tư là lạc quan vì dường như đồng USD sẽ còn tiếp tục giữ vị trí thượng phong này. Thứ nhất, mặc dù lịch sử cho thấy FED thường hạn chế tăng tỉ giá nếu có các vấn đề từ thị trường mới nổi, lần này sẽ rất khó cho FED để thắt chặt tiền tệ trong khi nền kinh tế Mỹ đang nóng lên nhanh chóng như hiện nay. Thứ hai, các nhà đầu tư cũng không có một lựa chọn rõ ràng nào để thay thế đồng USD. Những ứng viên sáng giá nhất là đồng euro hay Nhân dân tệ cũng đang có những vấn đề mà không thể một sớm một chiều giải quyết được.

Giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu các nỗ lực quốc tế có thể hãm lại đà tăng mạnh của đồng USD. Trong lịch sử, để đối phó với đồng USD tăng giá 50% từ năm 1980 đến năm 1985, các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp và Tây Đức đã ký hiệp ước để đồng USD giảm giá. Nhưng một hiệp ước tương tự như vậy là gần như không thể trong bối cảnh hiện nay. Nhật và Châu Âu đang phải giải quyết vấn đề lạm phát thấp và không nước nào muốn tăng giá đồng tiền của mình, nên không hi vọng họ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để đạt được điều này.

Quỳnh Anh

(Theo: The Economist)