APEC 2017: “Mục tiêu Bogor” của APEC là tốt nhưng chưa đủ
(Dân trí) - Được thông qua từ Hội nghị Cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 2 vào năm 1994, “Mục tiêu Bogor”- xác định APEC là một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng năng động nhất - là một trong những ưu tiên xuyên suốt của APEC. Song trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay, “Mục tiêu Bogor” là tốt nhưng chưa đủ.
TS.Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản ký Kinh tế Trung ương, chuyên gia kinh tế của APEC - đã có cuộc trò chuyện với Dân trí bên lề Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp APEC (SOM 1) đang diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) và có nhiều ý kiến chia sẻ về “Mục tiêu Bogor” (sau đây gọi tắt là Bogor) của Việt Nam nói riêng và APEC nói chung trong bối cảnh nền kinh tế khu vực nói riêng và toàn cầu hiện nay.
Thưa ông, ở góc độ chuyên gia về kinh tế vĩ mô, ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của APEC, tập trung ưu tiên Bogor, trong sự tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương?
Bogor được thông qua từ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 vào năm 1994, xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư vào năm 2010 đổi với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đây là mục tiêu ưu tiên và xuyên suốt nhất của APEC.
Chỉ nhìn vào khoảng độ từ 10 - 15 năm trở lại đây thôi, ngoài những khó khăn, thách thức, thì có thể thấy rõ thành tựu của APEC, trong đó có Bogor, là độ mở cửa tăng lên rất nhiều, hàng rào giảm đi đáng kể và đưa APEC trở thành là một trong những khu vực năng động nhất thế giới trong tự do hóa thương mại và đầu tư. Đó là một đóng góp rất quan trọng cho sự thịnh vượng của khu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Thứ hai, APEC là chất xúc tác cho ra đời rất nhiều hiệp định thương mại; góp phần vào thương mại - đầu tư và phát triển, đằng sau đó là nâng cao năng lực của các nền kinh tế thành viên. Thứ ba, APEC có thể xem là vườn ươm cho những sáng kiển, những ý tưởng về hội nhập gắn với phát triển. APEC là bài học kinh nghiệm, là trải nghiệm cho các nền kinh tế thành viên. Thêm vào đó, mặc dù là một diễn đàn kinh tế, song trong khuôn khổ APEC, việc các lãnh đạo, quan chức trong khu vực đối thoại ở diễn đàn góp phần vào việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị của khu vực, hướng tới mục tiêu vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay, Mục tiêu Bogor của APEC gặp phải những trở ngại, khó khăn nào? Với vai trò là chuyên gia kinh tế của APEC, trước hết tại SOM 1 lần này, ông đã có những đề xuất, ý kiến đóng góp cụ thể gì?
Theo tôi, Bogor là tốt nhưng chưa đủ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay, với các vấn đề như tình hình phục hồi khó khăn sau khủng hoảgn kinh tế, biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (cách mạng công nghệ 4.)..., thì liên kết, hội nhập để phát triển kinh tế khu vực phải gắn liền với gắn với tăng trưởng, phát triển bền vững bao trùm ..., và có thể gắn với các chính sách, cải cách bên trong mỗi nền kinh tế thành viên. Những thành quả đạt được đã rõ ràng, song còn cần phải nhìn vào những vấn đề thực tế hơn, phải thông minh hơn, khéo hơn tức là đòi hỏi hội nhập làm sao đem lại lợi ích cho tất cả, vì chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Ngoài nỗ lực hướng tới Bogor, APEC phải tính tới, phải chuẩn bị cho liên kết, hội nhập khu vực gắn với bối cảnh thực trạng phục hồi kinh tế khó khăn, thương mại tăng trưởng thấp, chủ nghĩa bảo hộ nổi dậy; chưa nói đến trong ngắn hạn, đã bắt đầu có nhiều tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; chưa nói là phải bắt tay vào để phát triển xanh, bền vững, sáng tạo hơn.
Thứ hai là APEC phải làm mạnh hơn vấn đề cải cách cách thức mở cửa tự do hóa thương mại đầu tư thích hợp hơn với các vấn đề như thực trạng dân số già đi, rất nhiều nhóm người dễ bị tổn thương, khoảng cách thu nhập tăng ... cho nên APEC buộc phải chuẩn bị cho tầm nhìn APEC sau Bogor; tự do hóa thương mại - đầu tư phù hợp với xu hướng mới của toàn cầu; phải tính đến hội nhập làm sao phải đạt được mục tiêu dài hạn gắn với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, biến đổi khí hậu, dịch chuyển lao động, đô thị hóa...
Và đâu là “chìa khóa” để tiếp tục thúc đẩy tiến trình liên kết, hội nhập, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực?
Theo tôi, vấn đề then chốt là ở niềm tin, ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo cấp cao, sự đồng thuận tương đối của các bên liên quan trong xã hội như dân chúng, người lao động, doanh nghiệp ...Với APEC, chúng ta có bệ đỡ tốt để thúc đẩy liên kết, hội nhập, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, mà trong chừng mực nào đó đã được thực chứng.
Ở thời điểm khó khăn này, đòi hỏi APEC phải có những lý luận mới, cách thức hợp tác mới gắn với xu thế mới của thế giới với những vấn đề đặt ra như đã nói trên, như là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, biến đổi khí hậu, dịch chuyển lao động, đô thị hóa... Và tôi nghĩ đây là những khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy thú vị của sân chơi kinh tế toàn cầu.
Về năm APEC 2017 của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam , ông có thể chia sẻ về chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC 2017?
Chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của năm APEC 2017 là khá thích hợp, phù hợp trong thời điểm hiện nay. Chúng ta cần một động lực mới, một động năng mới trong tăng trưởng, phát triển. Thứ hai tăng trưởng đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế thành viên. Cho nên, chủ đề năm APEC 2017 của chủ nhà Việt Nam dành được sự đồng thuận nhanh chóng và mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên.
Và SOM 1 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa lần này là một “kick-up”, tạo đà cho SOM2, SOM3, Hội nghị bộ trưởng và đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 có được sự đồng thuận cao trong tuyên bố cấp cao để APEC tiếp tục tiến lên. Thứ hai là củng cố niềm tin trong giai đoạn hết sức khó khăn này. Thứ ba là tạo nền tảng cho quá trình hợp tác triển khai các chương trình, cam kết trong APEC của từng thành viên tạo nên sự năng động mới, lợi ích mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Hiền (thực hiện)