1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thanh Hóa:

Đầu tư gần 4 nghìn tỷ cho phát triển Khoa học và Công nghệ

(Dân trí) - Trước thực trạng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa có nhiều bước đột phá, các sản phẩm công nghệ cao còn ít, chưa có sản phẩm, lĩnh vực sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực … mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020.

Đề án phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020 do Sở KH&CN Thanh Hóa chủ trì. Theo đánh giá thì hoạt động KH&CN tại Thanh Hóa chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít; chưa có sản phẩm, lĩnh vực sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Sao vàng của Công ty CP mía đường Lam Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa
Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Sao vàng của Công ty CP mía đường Lam Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa

Bên cạnh đó, tiềm lực KH&CN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu thốn, lạc hậu, thiếu đồng bộ; nhân lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN còn mỏng; năng lực và hiểu quả hoạt động KH&CN của đa số các tổ chức KH&CN còn thấp.

Ngoài ra, thị trường KH&CN phát triển chậm; hợp tác KH&CN trong và ngoài nước chưa chặt chẽ và chưa thường xuyên; quản lý nhà nước về KH&CN tuy đã được đổi mới song chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cơ chế chính sách mới về KH&CN triển khai còn chưa hiểu quả; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp tuy đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chưa chuyển hóa từ nhận thức thành các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể ứng dụng KH&CN, phát triển KH&CN trong từng ngành, từng địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế; ngân sách của tỉnh Thanh Hóa đầu tư cho KH&CN mới chỉ bằng 1/2mức đầu tư bình quân tính theo đầu người của cả nước. Trong khi đó, chưa triển khai hiểu quả các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp, đầu tư cho KH&CN.

Ngoài ra, chưa có nhiệm vụ KH&CN có tính đột phá, những chính sách mạnh, hiểu quả trong lĩnh vực KH&CN; tổ chức quản lý KH&CN ở cấp huyện còn bất cập.

Để thực hiện phát triển KH&CN, nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được tỉnh Thanh Hóa đưa ra. Trong đó, hướng đến 100% tổ chức KH&CN công lập được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; số doanh nghiệp KH&CN tăng ít nhất 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; vốn đầu tư từ ngân sách hằng năm cho KH&CN không dưới 2% tổng chi ngân sách vào năm 2020…

Dự kiến kinh phí cho phát triển KH&CN giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Thanh Hóa khoảng 3.973 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và được phân ra theo từng năm cụ thể.

Duy Tuyên