1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Thư ngỏ của một học sinh sắp thi ĐH gửi các thầy cô chấm môn văn:

Em sợ những đáp án môn văn!

(Dân trí) - "… Em không dám viết những gì chệch-ra-ngoài-đường-ray-đáp-án để rồi bị điểm liệt. Môn văn mà có đáp án, nghe đã thấy hãi. Đã thế đáp án ấy còn chi li đến từng ý, từng lời thử hỏi nó còn đáng sợ đến mức nào?"

Là một học sinh lớp 12 ôn thi khối xã hội, đã có lúc, em tự hào và rất yên tâm với môn văn của mình. Yêu văn từ nhỏ, mỗi năm em lại được một giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố, em được phép mong và tin vào một điểm 7,5 văn lắm chứ. Nhưng, như em nói “đã có lúc”, vâng, đó là lúc trước khi em nhìn thấy một thứ “cô giáo” - những tờ đáp án chấm thi môn văn được mang về từ trên Bộ GD-ĐT.

 

Nếu như ai đã nhìn thấy tờ đáp án này thì em tin, cũng như chúng em, họ khó có thể giấu niềm “thán phục tột độ” đối với người soạn ra tập đáp án gần chục trang đó. Đó là một tập đáp án chi tiết tới từng 0,125 điểm, đầy đủ, cặn kẽ và rất hoàn chỉnh. Em không thể tìm được một lỗi sai trong tập đáp án đó và em cũng không thể nói nó không hay. Nhưng các thầy, cô ơi, em sợ tập đáp án đó lắm!

 

Em biết, một đáp án chi tiết toán, lý, hóa, thậm chí sử, địa... là cần thiết, nhưng liệu điều đó có cần thiết và công bằng với môn văn? Theo em biết, với văn học, người ta có nhiều cách nhìn nhận khác, thậm chí ngay một người cũng có thể nghĩ về một tác phẩm văn học mỗi lúc một khác. Thế nhưng, với một đáp án chi tiết cụ thể tới từng ý nhỏ lấy điểm 0,125 trên 10, người làm đáp án đã bắt chúng em, tức hơn 400.000 học sinh (thi khối C và D) cũng phải nghĩ và cảm giống hệt nhau như những người lính trong hàng quân lúc duyệt binh.

 

Thêm vào đó, ai cũng biết, môn văn là một môn học có tính sáng tạo, đặc biệt là trong một kỳ thi hướng nghiệp như kỳ thi đại học. Chúng em thi khối D, khối C vì phần lớn chúng em mong muốn trở thành những nhà văn, nhà báo, hay chí ít là những nghề liên quan đến văn học, xã hội, những nghề rất cần tính sáng tạo. Vậy mà, em tự hỏi, với một đáp án văn như thế, chúng em có dám sáng tạo không?

 

Theo đúng như tập đáp án kia, thì rõ ràng không hề có (hoặc rất ít) điểm khuyến khích cho các ý hay, ý lạ, tóm lại là không có chỗ cho “cái tôi” - một cá thể xã hội không lặp lại - của mỗi người trong cảm thụ văn học. Số điểm đó còn chủ yếu phụ thuộc vào cách chấm, sự quan tâm của người chấm tới bài viết.

 

Chúng em có thể liều lĩnh tiếp cận vấn đề theo một cách khác, cách mới không khi biết chắc rằng chúng em sẽ không thể được điểm nếu nó không giống với đáp án? Thậm chí, vẫn với những ý như trong đáp án nêu ra, nhưng chúng em diễn đạt bằng các từ ngữ, lập luận, dẫn dắt khác, chúng em cũng khó được điểm.

 

Em còn nhớ, Nam Cao, một nhà văn xuất sắc đã từng viết trong tác phẩm Đời thừa của mình câu này: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có”. Các thầy cô yêu cầu chúng em đúng theo một đáp án văn chi tiết để làm gì khi ngay sau kỳ thi này, tất cả những gì công việc yêu cầu ở chúng em là sức sáng tạo, và khả năng đột phá? Liệu mai sau, xã hội, cơ quan của chúng em có cái đáp án chi tiết nào cho bài báo, tác phẩm của chúng em không ạ?

 

Em rất sợ đáp án chi tiết chấm môn văn của các thầy cô. Giờ đây, đó có thể coi là áp lực lớn nhất của chúng em khi luyện thi. Toán, chúng em có thể ôn theo các công thức mà cả thế giới công nhận. Tiếng Anh, chúng em có thể làm nhiều bài tập, học thuộc vốn từ vựng và những quy tắc ngữ pháp chuẩn nhất, nhưng với văn, chúng em sẽ “học vẹt” theo cái gì, tài liệu, hướng dẫn nào cho đúng với ý người ra đề và nhất là với “khẩu vị” của người trực tiếp chấm bài?

 

Với môn văn, em như đứa trẻ lạc đường, ngơ ngác, hoài nghi không tìm ra nổi đường đi cho mình trong việc ôn tập. Chúng em bước vào phòng thi giờ không còn nghĩ viết sao cho hay, cho chân thành, cảm xúc, mà thay vào đó, chúng em ngồi đoán xem, các thấy cô ra đáp án nghĩ gì, tư duy ra sao, gạch đầu dòng bao nhiêu ý thì đủ với yêu cầu của bộ? Mà em lấy đâu ra cơ sở để đoán?

 

Có thể là nhờ em học được ở lò luyện thi nghe nói do thầy ra đề dạy. Nhưng không phải chỉ có một lớp có tin đồn như thế, nhiều lớp lắm ạ. Chúng em chẳng biết lớp nào, thôi, ai có sức nhiều thì đi học thêm nhiều vào, học thuộc nhiều bài mẫu hơn vào, ắt sẽ rơi được vào chút ít trong đáp án. Những ca học đêm, học ngày làm người lớn sững sờ, còn chúng em quen rồi, quen lắm rồi.

 

Những đáp án chấm văn như thế có thể rất có lợi và thuận tiện cho người chấm, nhưng liệu có công bằng và có lợi cho chúng em? Em không dám trách các thầy cô nhưng em chỉ mong các thầy cô linh hoạt và quan tâm hơn với bài viết của chúng em. Chúng em không ngại đợi kết quả thi, lâu cũng được ạ, chỉ mong các thầy cô đọc bài chúng em từ đầu tới cuối và chấm theo đúng suy nghĩ và cảm nhận thật khách quan của mình mà thôi.

 

Em không phải là một trong 9 người - không - thích, không - cần - biết, và vô - cảm - trước - quá - khứ như bạn N.P.T khẳng định một cách hồ đồ trong “bài văn lạ” từng gây xôn xao. Nhưng thực sự không biết bao lần em đã muốn viết một bài luận về tình trạng dạy văn và học văn hiện nay như là một vài dòng tâm sự chân thành với các thầy cô.

 

Dù sao, đó cũng chỉ dừng lại ở ý muốn, em sẽ không bao giờ dám viết như bạn N.P.T đâu ạ. Bởi em không phải đang thi học sinh giỏi, mà em thi đại học, kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời em. Em không dám viết những gì chệch-ra-ngoài-đường-ray-đáp-án để rồi bị điểm liệt. Môn văn mà có đáp án, nghe đã thấy hãi. Đã thế đáp án ấy còn chi li đến từng ý, từng lời thử hỏi nó còn đáng sợ đến mức nào?

 

Đọc xong bài này, có thể mọi người sẽ cho là em viết thiếu dẫn chứng cụ thể. Nhưng thực ra có thể coi cả tập đáp án đó là một bằng chứng rõ ràng mà trong khuôn khổ bài này em không thể dẫn ra, bởi mục tiêu của bức thư này là trình bày nỗi lo lắng và băn khoăn của chúng em - những người sắp bị loại đáp án đó chụp vào đầu.

 

Em mong các anh chị nhà báo thử đọc những cái đáp án đó để thấy rằng em không hề nói quá hay tát nước theo mưa. Đây là một nỗi lo có thật. Hãy cứu chúng em!

 

Nguyễn Kim Ngân

Lớp 12 Trường THPT Trần Phú - Hà Nội

Email: knouk_antu@yahoo.co.uk