Festival Huế 2012:

Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

(Dân trí) - Tại Trường Lang (Đại Nội Huế) vào các đêm diễn ra Festival đã xuất hiện một triển lãm sắp đặt Mặt nạ tuồng Huế rất thú vị đối với những ai yêu thích nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Với gần 100 chiếc mặt nạ tuồng lớn nhỏ, được sơn màu sắc đẹp, khắc họa các nhân vật trong các tuồng xưa hay diễn ở Huế như Sơn hậu, Tam nữ đồ vương, Lý phụng đình, Nguyệt cô hóa cáo, Đào Tam Xuân, Kỷ Lan Anh, Quan Công cử binh... nhiều nhân vật được biết đến ở Tuồng Huế và cả sau này, ở trong kịch, phim như Hoàng Phi Hổ, Tạ Ôn Đình, Đổng Kim Lân, Bao Công, Đổng Trác, Hồ Ly Tinh, Hoàng Phi Hổ... Khá nhiều du khách đã dừng lại chụp ảnh ở 3 chiếc mặt nạ tuồng cao quá đầu người được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật lạ mắt.
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Mặt nạ tuồng Huế tại triển lãm sắp đặt

Theo nhà nghiên cứu Trọng Bình (Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế) thì “Tuồng Huế và đặc biệt là Tuồng cung đình là một thể loại kịch sân khấu truyền thống, nó được sáng tác bởi các quan lại dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Nguyễn, tập trung nhất là dưới thời vua Tự Đức, như các vở: Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy...

Ngoài một số cuốn sách nói về tuồng của các tác giả: Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Tôn Thất Bình và một số bài viết nói về nghệ thuật tuồng thì vấn đề cụ thể hóa như: dàn dựng nguyên vẹn lại các vở tuồng cổ, và đặc biệt là  phục hồi các trích đoạn, các vở Tuồng đã từng biểu diễn trong cung đình vẫn còn quá ít ỏi, điều này khiến loại hình nghệ thuật này khó có thể bảo tồn được một cách nguyên vẹn”

Dưới thời vua Tự Đức, hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác, hàng trăm đào, kép giỏi quy tụ về kinh đô. Vua Đồng Khánh thì mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt cho các cung nữ. Còn vua Thành Thái cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào, kép giỏi, ông không chỉ ban thưởng tiền bạc mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy tuồng (hát bội). Ông là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn đã lên sân khấu diễn tuồng "đóng trò" đồng thời là một tay trống tuồng tài ba.

Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Các diễn viên trong đoàn Tuồng Đồng Xuân Lâu nổi tiếng xứ Huế một thời (đã tan rã cách đây hơn 30 năm) - (ảnh: tư liệu của Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế)

Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng. Ông đã thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định, ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển... Từ sau thời Tự Đức, Tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng và ganh đua với nhau. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng.

Tại kinh đô Huế, các rạp hát bắt đầu mọc lên khắp nơi, sân khấu tuồng từ trước vốn có chỉ phục vụ vua quan triều đình, dần dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945: Bắc Hòa, Nam Hòa, Đồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh...Tên tuổi những cô đào tài sắc vẹn toàn vẫn còn thời Khải Định như: cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Đồng, cô Ba Vĩnh... Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.

Đi ngược lại lịch sử trước đó vào năm 1627, Đào Duy Từ là người đầu tiên đã mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (sống tại Huế) nghệ thuật tuồng (hát bội). Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế đến nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư và coi năm 1627 là niên đại khởi đầu của lịch sử Tuồng Huế. Nghệ thuật Tuồng Huế đã trải qua 3 thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát tích rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức đã từng tổ chức hàng ngũ sáng tác tuồng bao gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn, sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở tuồng nổi tiếng. Tuồng đã được biểu diễn trong các Nhà hát như: Duyệt Thị Đường (hiện vẫn còn trong Đại Nội), Tĩnh Quang viện, Thông Minh Đường, Minh Khiêm Đường (hiện vẫn còn trong lăng Tự Đức)...

Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Các mặt nạ được treo trên nền đền đài cổ kính rêu phong

Nghệ thuật Tuồng cung đình không đi theo con đường tả thật mà tả thần. Tả thần có nghĩa là không đi vào chi tiết cụ thể, tỉ mỉ của đối tượng, mà tóm thu đối tượng, miêu tả bằng một nét khái quát nhất, làm sao gạn lọc lấy những điểm cốt lõi cần nói, chứ không đi vào các chi tiết phụ thuộc. Tuân theo nguyên lý đó nên khi diễn tả người đi ngựa, diễn viên chỉ cầm chiếc roi ngựa, khi diễn tả buổi yến tiệc, người diễn viên chỉ cầm chén uống rượu là đủ. Bởi vậy khi xem một vở tuồng, thấy diễn viên cầm các vật: cái chén, cây roi, mái chèo, cành cây... khán giả biết ngay anh ta đang làm gì, trong hoàn cảnh nào.

Chính mặt nạ tuồng Huế là “chìa khóa” để giúp các nghệ sĩ nhìn vào hóa trang tốt hay đeo vào để diễn tuồng mà không cần phải bôi son trát phấn tạo mặt. Nhìn vào mặt nạ tuồng ta có thể thấy được thần khí của một vị vua, vị tướng, vị quan ngay thẳng hay nét xu nịnh của quan tham, người xấu hoặc nét dữ dằn, ma quái hay tráo trở... Mặt nạ tuồng hiện đang được Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để khái quát toàn bộ các loại mặt nạ nhằm tránh thất truyền cho hậu thế về sau.

Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Một mặt nạ lớn
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Các mặt nạ nhỏ với sự biểu hiện đa dạng nét mặt, màu mặt, râu ria
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Mặt nạ tuồng Huế dựng trên 2 cây cột đổ
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Mặt nạ Triệu Khuôn Dần và Vũ Văn Thành Đô
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

La Hải Tinh, Mạnh Lương
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Trình Giảo Kim
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Bạch Đầu Ông
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Triệu Đình Long
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Trụ Vương
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Hoàng Phi Hổ
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Đổng Trác
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Bao Công
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Đổng Kim Lân
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Hồ Ly Tinh
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế

Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Nhiều người khách thích thú sờ thử vào mặt nạ tuồng khổng lồ
Ấn tượng với mặt nạ tuồng Huế
Một bé gái người nước ngoài mặc giản dị cười tươi khi được chụp hình với "ông mặt nạ"

Đại Dương
Dòng sự kiện: Festival Huế 2012