“Nhường đường”, “nhường ghế” phải chăng là điều “xa xỉ” trong văn hóa giao thông?

Hà Nội đã và đang vận hành tuyến xe buýt nhanh với mong muốn cải thiện tình trạng giao thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, chỉ qua vài ngày thử nghiệm, những lỗ hổng về ý thức giao thông thêm một lần nữa được bộc lộ rõ nét.

Mặc dù trước khi đưa vào vận hành tuyến xe buýt nhanh (BRT) làn đường dành riêng cho BRT đã được phân chia. Thế nhưng, không hiếm để tìm thấy những hình ảnh ô tô, xe máy lấn làn, không chịu nhường đường, tạt đầu… thậm chí còn xảy ra va chạm giữa taxi và BRT khiến BRT vỡ kính.

Ai cũng có những lý do của riêng mình để bao biện cho việc không thể nhường đường cho BRT: vì vội vã, muộn giờ làm, làn đường bị chia cắt quá chật hẹp trong khi lưu lượng tham gia giao thông quá lớn…

Câu chuyện “nhường đường” thực ra là câu chuyên không mới trong văn hóa giao thông và không phải đợi đến khi BRT xuất hiện mới cho thấy những hình ảnh chân thực về ý thức giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông trên đường.

Hẳn những người hàng ngày phải đối mặt với giao thông không còn cảm thấy xa lạ cảnh làn đường dành cho ô tô đang ùn liền có xe đột ngột rẽ sang làn xe máy để có thể nhích từng centimet khiến cho tất cả những người đi xe máy đằng sau ngán ngẩm, chỉ biết bấm bụng chờ hoặc không kiềm chế được thì bấm còi inh ỏi, văng tục, lao lên vỉa hè đi. Rồi khi xe máy bị chiếm hết làn đường thì xe máy lạng lách đủ kiểu ở bất kỳ khe hở nào miễn là có thể đi được, bất chấp nguy cơ tai nạn bản thân và người khác.


Nhiều phương tiện giao thông đi sang làn đường ưu tiên dành cho BRT.

Nhiều phương tiện giao thông đi sang làn đường ưu tiên dành cho BRT.

Đã có những chiếc xe cấp cứu, cứu hỏa dù đã bật còi ưu tiên trên đường nhưng chưa thể đến nơi cần đến sớm như mong đợi khiến hậu quả thêm nặng bởi khi di chuyển không phải ai cũng sẵn sàng nhường đường.

Chỉ vì không nhường đường mà tình trạng giao thông vốn đã khó khăn lại càng thêm ách tắc. Ý thức người tham gia giao thông đã làm cho bức tranh giao thông thêm ảm đạm khi những con số về tai nạn giao thông chưa thể dừng lại.

“Nhường đường” đã khó nhưng xem ra việc “nhường ghế” của người tham gia giao thông công cộng trên các tuyến xe buýt còn khó khăn hơn. Mặc dù mỗi hành khách khi bước lên xe buýt đều nhìn thấy “nội quy” ở ngay đầu xe với dòng chữ nhường ghế cho người tàn tật, trẻ em, người già, phụ nữ có thai, nhưng nhiều người “nhìn thấy như không”. Nhất là ở những tuyến xe buýt ngoại thành, có hành trình dài nên ai cũng có tâm lý thích ngồi cho đỡ mỏi và tranh thủ, thậm chí giành giật chỗ ngồi khá gay gắt. Nhiều người có thâm niên đi xe buýt, nhất là giới học sinh, sinh viên, người lao động còn “truyền tai” nhau “bí quyết” đi xe buýt có ghế ngồi và không phải… nhường chỗ!.

Theo “bí quyết”này, cách tốt nhất để có chỗ ngồi thì phải lên xe ở ngay điểm đầu tiên và chọn chỗ càng cuối xe càng tốt, bởi nếu các đối tượng ưu tiên lên xe thường sẽ phải nhường ghế ngay ở những hàng đầu. Và ở ngay đầu bến, vì phải chiếm được chỗ ngồi nên tình trạng chen lấn, xô đẩy đã xảy ra. Khi xe buýt chầm chậm dừng ở bến, cửa còn chưa kịp mở ra ở dưới đường đã kín người đứng chỉ chờ được đặt chân lên xe đầu tiên. Cánh cửa vừa từ từ mở ra là dòng người ào ào, như thể tranh cướp để được lên xe. Người chưa kịp lên đã cuốn theo dòng người trước hoặc bị dòng người phía sau xô đẩy đến mức khi ở trong xe rồi họ vẫn còn ngơ ngác không hiểu vì sao mình lại lên được xe nhanh như vậy.

Việc không nhường nhịn, xếp hàng lên xe chính là cơ hội để cho kẻ gian trà trộn vào dòng người “móc túi”. Đã có không ít hành khách vừa lên xe buýt xong đã hốt hoảng phát hiện ví, điện thoại… của mình không cánh mà bay.

“Bí quyết” tiếp theo là khi yên vị được trên xe thì tốt nhất lim dim mắt giả vờ ngủ, không nhìn thấy người lên xe là ai, bất kể họ có phải đối tượng ưu tiên hay không. Nếu người đáng phải nhường vẫn cứ đứng bên cạnh thì hãy chờ gần đến điểm xuống mới mở mắt ra như vừa ngủ dậy và vui vẻ nhường ghế.


Những hình ảnh như thế này không hiếm gặp khi tham gia giao thông.

Những hình ảnh như thế này không hiếm gặp khi tham gia giao thông.

“Văn hóa nhường nhịn” khi tham gia giao thông phần lớn xuất phát từ ý thức người điều khiển phương tiện giao thông. “Nhường nhịn” được hiểu là thái độ, hành vi, ứng xử văn minh, lịch sự được thực hiện một cách tự giác, tự nguyện mà đôi khi bản thân có thể chịu thiệt thòi một chút nhưng lại không làm ảnh hưởng đến người khác, cộng đồng.

Ngược lại, nếu ai cũng chỉ vì bản thân, chen lấn, xô đẩy từng li từng tí một, không nghĩ đến người khác thì giao thông sẽ càng thêm phức tạp và ẩn họa những tai nạn phía sau.

Trong Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rất rõ về những trường hợp phải nhường đường. Mới đây, khi triển khai tuyến BRT đã có những biển cảnh báo về mức phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn với mức phạt từ 300.000 – 1.200.000. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa giao thông cũng như nhằm giảm tải những ùn tắc đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ thì ngoài những quy định từ Luật còn phải có sự tự giác, ý thức của người tham gia giao thông, trong đó không thể không kể tới sự “nhường nhịn”. “Nhường nhịn” là bài học ai cũng đã từng học qua thời cắp sách, đừng để khi trưởng thành lại trở thành điều “xa xỉ” trong cuộc sống.

Theo Tổ quốc