DNews

Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Dù trong vùng có nhiều cây cao lớn nhưng nhiều năm qua, loài ong khoái chỉ tập trung về cây đa cổ thụ ở Điện Biên làm tổ. Nhờ vậy, người dân bản được hưởng một khoản lộc trời từ nguồn mật ong.

Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật

Cây đa cổ thụ ở bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, Điện Biên khiến nhiều người ngạc nhiên vì có hàng trăm tổ ong cho sản lượng hàng tấn mật mỗi vụ. Bản Huổi Lướng là một vùng rừng núi, xung quanh có nhiều cây gỗ lớn nhưng không rõ vì lý do gì, khoảng hơn 10 năm nay, cây đa này thu hút rất nhiều ong về làm tổ.

Người dân bản gọi cây đa là "cây may mắn" vì nhờ có nguồn mật ong tự nhiên trời ban, mỗi năm, các gia đình trong bản được nhận một khoản tiền từ việc bán mật ong. Họ gọi đây là "lộc trời".

Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 1
Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 2

Cây đa có hàng trăm tổ ong tự nhiên.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vừ A Lồng, Bí thư Chi bộ bản Huổi Lướng cho biết, cây đa là tài sản của cả bản. Không ai biết cây đa này có từ bao giờ, người già trong bản thì khẳng định cây đa có tuổi đời hàng trăm năm.

Bà con trong bản thống nhất không ai được tự ý lấy mật ong. Ai muốn khai thác mật phải mua trọn cả cây. Số tiền thu được sẽ chia đều cho người dân trong bản, phần còn dư cả bản sẽ cùng nhau tổ chức liên hoan.

Thót tim xem cảnh lấy mật từ cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên (Nguồn: Bước chân vùng cao).

Ngoài lợi ích về kinh tế, bà con người Mông trong bản xem cây đa là biểu tượng của sự may mắn, linh thiêng. Mỗi dịp quan trọng, họ đều đến gốc đa thắp hương, cầu mong sự may mắn, bình an, sức khỏe.

So với những năm trước, năm nay, cây đa có số lượng tổ ong "khủng nhất". Năm nay, anh Trịnh Hoài Nam (người chuyên làm về mật ong ở Phú Thọ) là người mua toàn bộ mật ong từ cây đa ở Huổi Lướng.

Anh Nam đã tổ chức một nhóm thợ, trang bị đồ bảo hộ cẩn thận để tới bản Huổi Lướng lấy mật. Đợt lấy mật đầu tiên là vào ngày 22/4, đợt thứ 2 dự kiến vào giữa tháng 5.

Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 3
Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 4
Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 5

Cận cảnh quá trình lấy mật trên cây đa cổ thụ.

Theo anh Nam, đợt đầu tiên, cả nhóm khai thác được 34 tổ ong, đó là những tổ to nhất, còn khoảng hơn 100 tổ nữa đang chờ thu hoạch. Anh Nam ước tính cả nhóm sẽ thu được khoảng 1,8 tấn mật từ tổ ong trên cây đa cổ thụ này.

Nhiều năm khai thác, kinh doanh mật ong nhưng với anh Nam, đây là lần khai thác mật ong lớn nhất. Cây đa ở Điện Biên cũng là "cây đa có nhiều tổ ong nhất Việt Nam" đến thời điểm này.

Cây đa cổ thụ có chiều cao hơn 50m, đường kính 5-6 người ôm. Anh Nam phải cắt cử nhóm thợ có kinh nghiệm, đeo mặt nạ, găng tay kín mít để leo lên cây khai thác mật.

Trong đợt đầu tiên, họ mất nửa ngày dựng thang và 1,5 ngày lấy mật từ 34 tổ ong. Các tổ ong ở cây đa cổ thụ có kích thước rất lớn, dài từ 1 đến 2m. Để lấy được mật từ tổ ong, nhóm thợ phải đeo dây bảo hộ, leo ra từng cành đa, hun khói để xua đuổi bầy ong. Mỗi cành đa dài hàng chục mét và ở độ cao 50-60m, những người thợ phải leo ra leo vào nhiều lần nên vô cùng vất vả.

Sau đó, họ dùng dao, liềm xẻ các tổ ong rồi hứng sẵn bao, thùng để đựng mật ong. Mỗi lần mật đầy bao, họ lại dùng dây thả xuống mặt đất cho người ở dưới thu gom. Cũng có khi, họ khiêng tổ ong về một địa điểm để lấy mật.

Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 6
Cây đa hàng trăm tổ ong ở Điện Biên, mỗi năm cho hàng tấn mật - 7

Các tổ ong cho số lượng mật "khủng".

Ở phía dưới, nhóm người chờ gom mật cũng phải mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng. Khi muốn nghỉ ngơi, họ chui vào trong một chiếc màn đã giăng sẵn để tránh bị ong đốt.

Những người thợ lấy mật dù được trang bị quần áo bảo hộ kín người, đồng thời đã dùng khói để xua đuổi ong khi lấy mật, song nhiều lúc họ vẫn ngộp thở vì số lượng hàng vạn con ong bu kín xung quanh.

Anh Nam cho biết, loài ong làm tổ ở cây đa cổ thụ là ong khoái (có nơi gọi là ong khoái quan). Ong khoái to hơn các loại ong nuôi và đốt rất đau. Đây là loài chưa ai nuôi hay thuần chủng được nên cho ra những giọt mật thuần tự nhiên, thơm ngon thượng hạng. Giá của mật ong khoái cao hơn các loại mật ong thông thường khác. 

Ảnh: Nhân vật cung cấp