BOT “móc túi” công khai hay bóng dáng “ưu đãi ngầm”, “thân hữu”?
(Dân trí) - Mới đây báo chí đưa tin Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã ký triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2017, trong đó có 20 dự án BOT lọt vào “tầm ngắm” của kế hoạch này.
Vì sao KTNN phải vào cuộc với những dự án vốn đã được giao cho tư nhân quản lý? Còn nhớ khi ông Phớc chỉ đạo kiểm toán việc thu phí ở trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) từng đã xảy ra tranh chấp quan điểm, đầu tiên là với Bộ Giao thông Vận tải, sau đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhìn chung các bộ trên đều cho rằng, vì BOT là của tư nhân đầu tư chưa bàn giao cho Nhà nước nên không thuộc diện kiểm toán của KTNN và KTNN không có quyền can thiệp.
Thế nhưng, phía KTNN vẫn quyết “nhúng tay” bởi cho rằng đường sá là tài sản công, do Nhà nước quản lý, các doanh nghiệp BOT được Nhà nước ủy quyền để đầu tư. Phí qua trạm BOT là thu theo Thông tư 12 của Bộ Tài chính là do Nhà nước quản lý mà phí do Nhà nước quản lý thì Nhà nước cần phải kiểm soát.
Kết quả là sau đợt kiểm toán trên, KTNN phát hiện ra, thay vì chỉ phải trả tiền phí cho 14 năm rưỡi thì người dân có thể đã phải “móc túi” trả tiền cho nhà đầu tư thêm 5 năm rưỡi, lên tới 20 năm.
Vụ việc trên, đáng nói là, không phải hy hữu. Một dự án khác trên quốc lộ 19 được kiến nghị giảm 7 năm 7 tháng và một dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên được kiến nghị giảm thời gian thu phí đến 10 năm. Thậm chí, có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, KTNN đề nghị giảm 11 năm, thu phí 13 năm.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là vì sao lại xảy ra những tình trạng gây bức xúc như trên? Điều này khá dễ hiểu khi mà KTNN cho biết, đến nay vẫn còn tình trạng cho phép chỉ định thầu với lý do “nhu cầu cấp bách”. Trong khi đó, ai cũng thừa hiểu rằng, một khi không đưa ra đấu thầu công khai thì việc “xin-cho”, “duyệt-cấp” đương nhiên phát sinh tiêu cực. Một nhà đầu tư có quan hệ thân hữu sẽ có nhiều lợi thế để giành được dự án, thậm chí còn được bao che, lấp liếm trong quá trình làm sai.
Mà dự án BOT, “ngon ăn” thay là được không ít nhà đầu tư ăn sẵn trên nền đường cũ, chỉ trải nhựa và xây trạm thu phí. Thậm chí, khi đường cũ là đường độc đạo, đường huyết mạch thì doanh nghiệp hô phí 1 đồng hay 10 đồng, dân cũng phải chịu!
Trạm BOT thì đặt liên tiếp, đặt vào những vị trí “hiểm” khiến có người đến cơ quan chỉ 2km nhưng mỗi ngày đi-về cũng tốn đến gần 100 nghìn lộ phí!
Thêm vào đó, hiện tại chưa thấy ai nói có cơ chế kiểm soát lưu lượng, thế nên nhà đầu tư cứ báo lưu lượng lưu thông ít để kéo dài thời gian thu phí. Cuối cùng, nhà đầu tư được hưởng lợi, dân “còng lưng” trả phí, ai biết là ai?
Triển khai BOT nằm trong chủ trương chung kêu gọi xã hội hóa, để tư nhân vào làm những việc mà Nhà nước không cần nắm giữ. Từ một mục tiêu tốt đẹp nhưng BOT những năm gần đây lại trở thành tâm điểm bức xúc, bất bình của dư luận. Đến nỗi, mới đây việc UBND tỉnh Bình Dương thực hiện mua lại một trạm phu phí giao thông của các chủ đầu tư BOT rồi xóa bỏ trạm này đã trở thành một sự kiện được tán dương, ủng hộ.
Thực tế, người dân không cần những nhà đầu tư BOT làm từ thiện, tuyên ngôn theo kiểu “lấy công làm lãi” như “ông trùm BOT” Nguyễn Quang Dũng nói. Dân cũng không cần BOT xây ra như sự đã rồi, không đập phá, di dời đi được, rồi doanh nghiệp tuyên bố theo kiểu ban phát rằng đã “trợ cấp giá vé” như trường hợp tại Cầu Bến Thủy vốn đang xôn xao những ngày này. Dân cần một luật chơi sòng phẳng, trả đúng và trả đủ!
Tôi ủng hộ sự vào cuộc sớm của KTNN, mỗi một ngày kiểm toán chậm thì đâu đó sẽ có hàng nghìn người dân đang bị “móc túi” một cách trắng trợn, công khai. Rồi sau này, nếu có phát hiện ra sai phạm, liệu có ai phải trả giá hay không, tiền thu sai làm sao trả lại cho người thiệt hại?
Bích Diệp