Bài 22:
TAND Cấp cao sẽ xem xét đơn đề nghị kháng nghị kỳ án giữa thủ đô!
(Dân trí) - TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa có giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của bị cáo Quản Đắc Quý trong kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án tại Hoài Đức (Hà Nội). Ngay sau khi bị TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm, phạt hai anh em hơn 10 năm tù, Quản Đắc Quý cùng anh trai vẫn liên tục kêu oan.
Theo công văn số 179/GXN-TA, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết đã nhận được đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với Bản án hình sự phúc thẩm số 922/2017/HS-PT ngày 21/12/2017 của TAND TP Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật.
TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định: Sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Giấy xác nhận của TAND Cấp cao tại Hà Nội đồng thời được gửi cho Chánh án TAND Cấp cao để báo cáo.
Cùng đó, ngày 23/1, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã có Công văn số 253/TDTW-QH gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết: Thường trực tiếp công dân của Quốc hội tiếp Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy, trú tại thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đơn trình bày và đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với Bản án hình sự phúc thẩm số 922/2017/HSPT ngày 21/12/2017 của TAND TP Hà Nội về vụ án “Cố ý gây thương tích” xử phạt Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù và xử phạt Quản Đắc Thúy 5 năm tù.
Đơn cho rằng vụ án xét xử oan sai.
Thường trực tiếp công dân của Quốc hội chuyển đơn, tài liệu của Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy đến TAND Cấp cao tại Hà Nội để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và thông báo kết quả giải quyết về thường trực tiếp công dân của Quốc hội.
Trụ sở tiếp công dân Trung ương chuyển đơn đề nghị giám đốc thẩm kỳ án giữa thủ đô.
Trước đó, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại Vân Côn - Hoài Đức (Hà Nội) theo đơn kháng cáo kêu oan của hai bị cáo là hai anh em ruột Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, trong khi bị hại liên tục khẳng định bị chém bất tỉnh ngay thì bác sỹ Hải, người sơ cứu vết thương cho bị hại Đỗ Đăng Của bức xúc khẳng định tại tòa: “Tôi tiến hành sơ cứu, anh Của đến là người tỉnh táo. Khi tôi cho về vẫn tỉnh táo. Nếu anh Của đến mà ngất, ý thức không có, tôi sẽ phải sơ cứu qua và chuyển viện ngay. Nhưng đây bệnh nhân tỉnh táo nên tôi không viết giấy chuyển viện mà cho về nhà điều trị ngoại trú. Đây là khẳng định “vàng” của tôi với HĐXX”.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra quan điểm: “Một vụ án không thu được hung khí, sau 1 năm xảy ra mới khám nghiệm hiện trường có phù hợp với quy định pháp luật? Bản thân bị hại nhiều lời khai, mâu thuẫn chằng chịt. Các nhân chứng hai bên đều mâu thuẫn lời khai. Điều rất quan trọng là giám định thương tích. Khi CQĐT huyện Hoài Đức chưa nhận được tin báo tội phạm sao đã có quyết định giám định thương tích?”.
VKSND Cấp cao tại Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án của TAND TP Hà Nội.
Sau những diễn tiến nóng bỏng trong suốt 2 ngày xét xử, đặc biệt là việc nhiều nhân chứng đồng loạt khẳng định 2 bị cáo không hề có mặt tại hiện trường sự việc, lời khai của bị hại liên tục bất nhất và những phân tích sắc bén của nhiều luật sư bào chữa miễn phí cho 2 bị cáo về dấu hiệu oan sai của 2 bị cáo trong vụ án, hàng chục người dân đã có mặt tại phòng xét xử từ sớm hồi hộp chờ phán quyết của HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội.
Đây là vụ án không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận xã hội mà còn được các Đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, kỳ án này là một trong số các vụ án đã được nêu tại Nghị trường Quốc hội trong phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào các ngày 06 và 07/11/2017 vừa qua.
Đây cũng được coi là kỳ án trong lịch sử tố tụng diễn ra ngay tại thủ đô khi CQĐT Công an huyện Hoài Đức khởi tố vụ án từ năm 2003, đến nay sau 14 năm với cả chục lần trả hồ sơ, vụ án mới được đưa ra xét xử sơ thẩm. Suốt 14 năm, 2 bị cáo khẩn thiết kêu oan. Vì vậy, việc người dân và dư luận rất quan tâm đến phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm.
Ngay sau khi thẩm phán Tân vừa tuyên án, nhiều người dân và người nhà bị cáo phẫn nộ la hét, gào khóc khiến lực lượng cảnh sát trật tự tại phiên tòa hết sức vất vả.
Sau phần tóm tắt vụ án và diễn biến 2 ngày của phiên tòa, đúng 9h sáng nay 21/12, thẩm phán Hoàng Nhật Tân - Chủ tọa phiên tòa chính thức tuyên bác kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức. Bị cáo Quản Đắc Quý bị tuyên 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Quản Đắc Thuý bị tuyên 5 năm tù.
Ngay sau khi thẩm phán Tân vừa tuyên án, nhiều người dân và người nhà bị cáo phẫn nộ la hét, gào khóc khiến lực lượng cảnh sát trật tự tại phiên tòa hết sức vất vả.
Nhận quyết định từ thẩm phán Tân, 2 bị cáo thẫn thờ không nói lên lời, gục ngã trên vai của người thân có mặt tại phiên tòa.
Cả 2 bị cáo và các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo cho biết sẽ tiếp tục có đơn đề nghị VKSND Cấp cao tại Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị, giám đốc thẩm với vụ án. “Tôi tin sẽ có cơ quan pháp luật giải oan cho chúng tôi. Chúng tôi bị oan và không bao giờ chấp nhận bản án của TAND TP Hà Nội”, bị cáo Quản Đắc Quý cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế