Bình Định: Vùng nuôi tôm “an toàn sinh học” gây ô nhiễm!
(Dân trí) - Dù được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải, thế nhưng người nuôi không xử lý theo quy trình hướng dẫn mà xả thẳng nước, chất thải chưa qua xử lý ra ngoài kênh mương, ao hồ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.
Thực trạng trên đang diễn ra ở các vùng nuôi tôm ở 2 xã Hoài Hải và Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Ðây là hệ quả của việc nuôi tôm ồ ạt và không quan tâm đến các quy định về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, chính quyền các địa phương đang lúng túng trong việc xử lý vi phạm.
Phớt lờ quy định xả thải
Theo ông Đặng Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), trên địa bàn 2 xã Hoài Mỹ hiện có 2 vùng nuôi tôm. Trong đó, vùng nuôi tôm ở khu vực Bắc Lý, thôn Công Lương có diện tích khoảng 19 ha nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững và vùng nuôi tôm tự do có diện tích 18 ha nằm dọc đầm Nam Lý, thôn Công Lương.
Điều đáng nói, ở khu vực tôm nuôi được quy hoạch nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học ở Bắc Lý dù được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, thay vì người nuôi thực hiện việc xử lý nước thải theo quy trình đã được hướng dẫn thì người dân lại phớt lờ quy định mà xả thẳng nước, chất thải chưa qua xử lý ra ngoài kênh mương, ao hồ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.
Theo quan sát, tại vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở Bắc Lý (xã Hoài Mỹ) chỉ cách khu dân cư các thôn Kim Giao Trung, Kim Giao Nam (xã Hoài Hải) con kênh rộng chừng 100m. Thế nhưng, nước và chất thải từ nhiều hồ nuôi tôm thải trực tiếp ra sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
“Vào buổi sáng, khi gió Nam thổi qua thì bay mùi hôi thối rất khó chịu. Đặc biệt là mùa nắng nóng, nguồn nước sông cạn kiệt thì tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Mùa mưa nguồn nước dồi dào thì còn đỡ, chất thải được nước mưa kéo ra sông rồi đổ ra biển”, một người dân thôn Kim Giáo Trung cho hay.
Trong khi đó, ở vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, hầu hết người dân đào ao nuôi tôm theo cách tự phát. Vì vậy, việc nuôi, xử lý nước và chất thải cũng chẳng theo quy trình nào. Hệ quả, nguồn nước quanh vùng nuôi bị ô nhiễm nặng nề. Nước và chất tải từ nuôi tôm thải ra ao, hồ lâu ngày tích tụ bốc mùi hôi thối, nguồn lợi thủy sản ở đầm Nam Lý cũng cạn kiệt.
Tại xã Hoài Hải, tình trạng nuôi tôm tự phát ở thôn Kim Giao Thiện cũng đang diễn ra ồ ạt với hàng chục ao nuôi, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Các hồ nuôi tôm này đa phần không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường, khiến nước mặn và chất thải thẩm thấu vào mạch nước ngầm, làm nước sinh hoạt của khu dân cư bị ô nhiễm.
Ngừng cấp điện các hộ nuôi vi phạm
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho rằng việc quản lý nuôi tôm còn nhiều bất cập, trong đó hạ tầng cơ sở vùng nuôi như hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ. Ở vùng nuôi tôm dọc đầm Nam Lý, thôn Công Lương chủ yếu do tự phát nên hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải không có. Vì vậy, hầu như nước, chất thải đều xả thẳng ra môi trường. Còn ở khu vực nuôi tôm thuộc vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học ở Bắc Lý, hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, một số ít hộ dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, phớt lờ các quy định vận hành nên xả thẳng ra môi trường.
“Để thực hiện dự án này, xã phải bóp bụng chịu tiền đền bù các hồ tôm số tiền cả gần tỷ đồng. Dự án đầu tư khá lớn, có hệ thống vận hành xử lý nước, chất thải bài bản, nhưng một số ít hộ chưa có ý thức xả thải thẳng ra môi trường. Cử tri xã Hoài Hải cũng có kiến nghị, huyện, xã đã chủ trì họp giải quyết, xử lý các hộ nuôi tôm xả thải ra môi trường”, ông Dũng nói.
Đề cập tới giải pháp khắc phục, đảm bảo môi trường lâu dài, ông Dũng cho hay: “Trước mắt chính quyền địa phương sẽ rà soát lại công tác nuôi tôm trên địa bàn. Nhắc nhở, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi. Đối với các hộ nuôi tôm cố tình vi phạm, địa phương sẽ đề nghị ngành điện ngưng cung cấp điện. Riêng với các diện tích hồ nuôi ở vùng tự phát, xã sẽ rà soát, kiểm tra cụ thể và sẽ thu hồi các diện tích ao nuôi nếu phát hiện có vi phạm về Luật Đất đai”.
Doãn Công