Ôm "cục tức" công việc về nhà, thành đạt đổi bằng gia đình rạn nứt

Thanh Xuân

(Dân trí) - Căng thẳng công việc kéo dài, không được sẻ chia đúng mức, nhiều người lao động đã mang cảm xúc tiêu cực về gia đình.

Về nhà chỉ như... xác sống

Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến nhiều người bị cuốn theo, dẫn đến sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Về đến nhà vẫn không cắt đứt được toàn bộ công việc để quay lại với vai trò là một thành viên trong gia đình đúng nghĩa trở thành tình trạng phổ biến với người lao động, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

"Khi được thả lòng, hỏi về điều họ muốn, câu trả lời mà chúng tôi ngày càng nhận được nhiều hơn là... nghỉ việc", TS Hoàng Thị Thu Nhiên, chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy, hỗ trợ các giải pháp về tâm lý chia sẻ.

Phần lớn trường hợp bị mất cân bằng, tìm đến chị Thu Nhiên để hỗ trợ tâm lý đều là những người chịu áp lực, căng thẳng trong công việc. Dẫn chứng cụ thể về ngành tài chính, ngân hàng, qua những người từng được hỗ trợ, chị Thu Nhiên nhận định, rất nhiều nhân sự trong ngành này thường xuyên gặp trạng thái căng thẳng, đặc biệt là khối thu hồi nợ.

Để ở vị trí quản lý trong một ngân hàng thương mại, chị Nguyễn Thùy Dung* đã nỗ lực rất nhiều trong công việc. Thời gian chị ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Ngày nào cũng vậy, khoảng 19-20h, chị mới thất thểu về nhà. Ngày thứ bảy thường phải họp và chủ nhật đa phần vẫn có mặt ở công sở để giải quyết việc tồn đọng.

Ôm cục tức công việc về nhà, thành đạt đổi bằng gia đình rạn nứt - 1

TS Hoàng Thị Thu Nhiên, chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy, hỗ trợ các giải pháp về tâm lý.

Việc nhà, chăm sóc, dạy con học hành... nữ nhân viên ngân hàng được coi là thành đạt đều phải trông chờ một tay chồng quán xuyến. Bước chân về đến cửa, chị đã thấy cạn kiệt sức lực, chỉ muốn đổ xuống giường, ngủ vùi.

Chị Thu Nhiên cho biết: "Những trường hợp như vậy, nếu nhận được thông cảm, chia sẻ của người thân thì những mệt mỏi, áp lực trong công việc còn được giải tỏa. Ngược lại, công việc đã áp lực lại còn thiếu có sự kết nối với thành viên trong gia đình thì căng thẳng càng dồn nén và chính họ mang những năng lượng tiêu cực về căn nhà của mình".

Bên cạnh khối lượng công việc lớn, chị Thùy Dung không được ghi nhận đầy đủ những đóng góp của mình. Từ đó, sự bất mãn hình thành, ẩn sâu trong tâm khảm. Nhiều khi, chị mang cả những bực tức trong công việc "đổ" lên đầu chồng con.

Những quan tâm cần thiết với chồng vơi dần, vô tình, chị áp đặt luôn cả nhà theo cách tính toán công việc và đòi hỏi rất nhiều điều ở người bạn đời của mình, phán xét, thiếu thông cảm và dần thất vọng về mọi thứ lúc nào không biết. 

Chị Thu Nhiên đánh giá, những căng thẳng kéo dài đã tác động tiêu cực đến mối quan hệ trong gia đình chị Thùy Dung. Ngoài việc hỏi han về những nhu cầu cần thiết, vợ chồng chị hiếm khi sẻ chia với nhau nên ngày càng xa cách, va chạm, mâu thuẫn thậm chí dẫn đến việc xô xát, gây tổn thương nhau.

Sau thời gian gánh những căng thẳng dồn nén, giới hạn chịu đựng không còn, chị Dung đã nghĩ đến ly thân. Chị quyết định mua một căn chung cư khác và cùng các con dọn ra ở riêng.

Đi tìm giải pháp

Với những trường hợp mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống như vậy, chuyên gia tâm lý Thu Nhiên cho rằng, người lao động cần biết dừng lại, nhìn nhận lại tất cả vấn đề mới có thể tìm được giải pháp. Mỗi người lao động phải trả lời được câu hỏi đâu là điều quan trọng nhất với mình, gia đình hay công việc là sự ưu tiên?

"Ở đây, điều quan trọng với mỗi trường hợp trong cảnh bế tắc như vậy là cần được gợi mở, để nhận ra đâu là vấn đề cần ưu tiên, sự phân chia, sắp xếp ra sao. Lý giải được câu hỏi đó, mỗi người sẽ tìm được cho mình giải pháp", chị Thu Nhiên nói.

Trở lại với chuyện của nữ nhân viên ngân hàng thành đạt, chị Dung sau đó đã quyết định chuyển sang làm công việc khác nhẹ nhàng hơn để cân bằng lại. Chị giảm việc để có thời gian chăm sóc, ở bên con gái và thời gian dành cho chính bản thân mình. 

Một trường hợp khác TS Hoàng Thị Thu Nhiên từng gặp, hỗ trợ tháo gỡ là một công chức nhà nước đối mặt với tình trạng căng thẳng, quá tải. Người bên ngoài cứ nghĩ anh "số nhàn", nhưng nam cán bộ này cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề do đặc thù công việc.

Mỗi ngày đến công sở, anh chìm đắm trong lịch họp, tiếp khách, công tác. Thời gian lý tưởng để xử lý công việc của anh là sau 17h. Ngày nào anh Tuấn Anh cũng về nhà trong trạng thái mệt đờ.

Công việc ngột ngạt, đồng nghiệp thiếu sự chân tình khiến anh Tuấn Anh thường xuyên rơi vào cảm xúc tiêu cực. Mỗi ngày trước khi đến công sở, anh phải hít thở sâu, lấy động lực để tiếp tục. Mối liên hệ với vợ con nhạt dần, anh dằn vặt, sự đánh đổi như vậy có đáng không?

"Đấu tranh tư tưởng với anh Tuấn Anh trong trường hợp này cũng là có nên tiếp tục công việc?", chị Thu Nhiên chia sẻ.

Theo chị Thu Nhiên, không phải ai đi làm cũng chỉ vì kiếm tiền mà người lao động cũng quan tâm nhiều đến tiêu chí về môi trường, niềm vui, sự hứng thú trong công việc.

Nữ chuyên gia phân tích, cách làm việc truyền thống, mối quan hệ gượng gạo khiến người lao động chịu những căng thẳng, áp lực. Thực tế. không chỉ các doanh nghiệp, cán bộ, công chức ở khối nhà nước cũng thường xuyên gặp những vấn đề trên và đó là một vấn đề thời đại cần xem xét, giải quyết.

*Tên nhân vật đã được thay đổi