Quảng Nam:
Giám sát kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
(Dân trí) - Ngày 11/11, đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện các chương trình năm 2022.
Đoàn giám sát do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn cùng các thành viên gồm Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy Ban dân tộc, Văn phòng Quốc gia giảm nghèo đã đi khảo sát tại 3 huyện của tỉnh Quảng Nam, gồm các huyện Đại Lộc, Nam Giang và Phước Sơn.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Đồng thời, nâng chuẩn 113 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước theo Bộ tiêu chí mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 155 xã/194 xã, đạt tỷ lệ 84%.
Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm 0,3-0,4%; trong đó tỷ lệ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 4-5%/năm.
Đối với chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/năm; đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Về nguồn vốn phân bổ để thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam đã được phân bổ hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến ngày 31/10, số vốn giải ngân đạt rất thấp.
Một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG còn tồn tại ở Quảng Nam, như nguồn vốn sự nghiệp của Trung ương phân bổ theo dự toán ngân sách hàng năm, không phân bổ theo giai đoạn, từ đó khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng kế hoạch trung hạn.
Thời gian phân bổ vốn cho địa phương thường phải đến tháng 9, khi UBND các cấp xây dựng phương án phân bổ vốn và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua xong thì khá trễ, kéo theo tiến độ giải ngân chậm.
Bên cạnh đó, thời điểm từ tháng 9, tỉnh Quảng Nam bắt đầu vào mùa mưa bão nên việc triển khai thực hiện các nội dung của các chương trình MTQG bị ảnh hưởng và không thể giải ngân đạt kế hoạch đề ra.
Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương sớm giao trung hạn vốn sự nghiệp 2021-2025 để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn, phân kỳ vốn theo kế hoạch hàng năm.
Ban hành cơ chế, chính sách phân cấp mạnh cho địa phương trong thực hiện và chịu trách nhiệm triển khai; xem xét cho kéo dài thời gian thực hiện vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2022 sang năm 2023; cho phép địa phương linh hoạt lựa chọn áp dụng thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù hoặc áp dụng thực hiện dự án theo quy trình, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng Quảng Nam là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền các cấp luôn nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện các chương trình MTQG, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giữa các vùng nông thôn, miền núi và đô thị.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ giải ngân vốn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; ở một số địa phương mô hình sinh kế còn hạn chế, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; các chương trình, dự án thiếu tính liên kết, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam tập trung cho công tác giải ngân vốn các chương trình MTQG.
Việc phân bổ vốn đầu tư dự án cần có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo quy mô lớn hơn.
Phát triển sản xuất liên kết từ đầu vào đến đầu ra, giúp bà con có thu nhập, nâng cao mức sống; đẩy mạnh công tác dạy nghề.