1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

Giải pháp giảm thiểu việc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 10/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc: Thực trạng và giải pháp".

Ông Trần Khắc Thắng - Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.

Giải pháp giảm thiểu việc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động - 1

Hội thảo chuyên đề "Phát triển BHXH bắt buộc - thực trạng và giải pháp" do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy và BHXH Quảng Nam tổ chức ngày 10/11 (Ảnh: Công Bính).

Ông Trần Khắc Thắng cho rằng, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Việc thực hiện chính sách BHXH tại Quảng Nam đã có chuyển biến tích cực; công tác phối hợp, tuyên truyền được quan tâm và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng dần qua các năm.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nêu những hạn chế, bất cập, vướng mắc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện ở một số nội dung; chỉ tiêu về phát triển BHXH bắt buộc chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra khá nhiều.

Năm 2022, toàn tỉnh Quảng Nam có 2.453 đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc, với tổng số lao động hơn 23 nghìn người; hơn 3 nghìn đơn vị chưa tham gia đầy đủ cho người lao động với số lao động chưa tham gia hơn 73 nghìn người.

"Đây là thực trạng đáng báo động vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động, đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và tiềm ẩn nguy cơ trật tự xã hội trên địa bàn", Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu.

Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh hội thảo hôm nay trọng tâm là tìm kiếm giải pháp thích ứng để triển khai có hiệu quả chính sách BHXH bắt buộc trên địa bàn, làm sáng tỏ thêm dấu hiệu người lao động và người sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng trong thực tế không tham gia, tránh để người sử dụng lao động và người lao động trốn đóng BHXH bắt buộc dẫn đến vi phạm pháp luật.

Giải pháp giảm thiểu việc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động - 2

Cán bộ BHXH Quảng Nam tuyên truyền về các chế độ, chính sách của BHXH đến công nhân, người lao động (Ảnh: Thanh Dũng).

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam cho hay, tính đến tháng 12/2021, tỉnh Quảng Nam có trên 10.000 đơn vị với tổng số lao động hiện tại doanh nghiệp sử dụng trên 306.000 người.

Trong đó, đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc gần 5.000 đơn vị với hơn 184.000 lao động. Trong số đơn vị đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc thì có hơn 2.700 đơn vị chưa đăng ký tham gia đầy đủ cho người lao động, với số người chưa tham gia gần 50.000 lao động và số đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc hơn 5.000 đơn vị với hơn 7.200 lao động (tổng số chưa tham gia hơn 121.000 người).

Theo BHXH Quảng Nam, khảo sát 755 đơn vị với hơn 7.200 người lao động không tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho người lao động với các lý do người lao động chỉ hợp đồng ngắn hạn, công việc không thường xuyên, đơn vị không có nhu cầu tham gia, người lao động chỉ hợp đồng cộng tác viên…

Phó Giám đốc BHXH Quang Nam nêu khó khăn trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc cho người lao động là việc tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN ở bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động và người lao động chưa cao.

Có nhiều biểu hiện làm trái pháp luật như thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động không tham gia; biến tướng hợp đồng lao động thành các loại hợp đồng khác; kê khai ngày giờ làm việc, mức thu nhập không đúng.

Nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH Quảng Nam khẳng định, nội dung trọng tâm thảo luận là làm sáng tỏ thêm dấu hiệu người lao động và người sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trong thực tế, ranh giới giữa người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện thông qua thu nhập, quan hệ lao động. Đồng thời tìm kiếm giải pháp thích ứng để triển khai có hiệu quả, tránh để người sử dụng lao động và người lao động trốn đóng dẫn đến vi phạm pháp luật.