(Dân trí) - "Mẹ em bị tâm thần, hay đi lang thang và có em trong cuộc đời này. Để có tiền theo học 12 năm, em mò cua bắt ốc, nhặt ve chai, hái rau và măng rừng bán. Giờ nghe tin đỗ đại học, lòng em ngổn ngang".

Đó là những lời tâm sự đẫm nước mắt của nữ sinh Trần Thị Quyên (18 tuổi), cựu học sinh Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh.

Quyên vừa hoàn thành 12 năm học phổ thông và thi đỗ vào ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) với số điểm 23,59 điểm.

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh nhặt ve chai không bố, mẹ tâm thần - 1

Quyên bật khóc khi nghe tin đỗ đại học vì hoàn cảnh quá éo le (Ảnh: Dương Nguyên).

Không có bố, mẹ tâm thần, nữ sinh đỗ đại học bật khóc (Video: Dương Nguyên).

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, Quyên buồn hơn vui. Lòng em ngổn ngang trước bước ngoặt lớn của cuộc đời.

Từ nhỏ đến lớn, Quyên không biết bố mình là ai, còn mẹ bị tâm thần. "Ngày trước, mẹ hay đi lang thang khắp nơi và có em trong cuộc đời. Từ ngày sinh ra em, mẹ ít đi ngoài đường hơn nhưng trái gió trở trời lại có biểu hiện la hét, đập phá", Quyên kể.

Hai mẹ con sống nhờ tình thương của ông bà ngoại, bà con lối xóm và tiền trợ cấp xã hội của mẹ.

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh nhặt ve chai không bố, mẹ tâm thần - 2

Căn nhà xiêu vẹo, trống trước, hở sau của mẹ con Quyên (Ảnh: Dương Nguyên).

Căn nhà trống trước, hở sau của hai mẹ con nằm tại thôn Vĩnh Hương, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê. Ngày trước, hai mẹ con ở với ông bà ngoại.

Khoảng 10 năm nay, họ hàng, bà con lối xóm góp vật liệu dựng tạm căn nhà nhỏ này trên đất mượn cho hai mẹ con sinh sống và để Quyên đến trường gần hơn.

Căn nhà chắp vá từ những tấm gỗ mối mọt, chẳng có món đồ gì giá trị. Hàng ngày, Quyên nhặt củi về đun nấu, nước ăn uống cũng phải đi xin từ hàng xóm. Sách vở, Quyên bỏ trong bao tải vì sợ mẹ lên cơn bệnh sẽ vứt hết đi.

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh nhặt ve chai không bố, mẹ tâm thần - 3

Quyên không có bố, còn mẹ bị tâm thần (Ảnh: Dương Nguyên).

Sau mỗi buổi đến trường hoặc ngày nghỉ hè, Quyên mò cua bắt ốc, nhặt ve chai, hái rau và măng rừng bán. Số tiền góp nhặt đó giúp Quyên có kinh phí đến trường và nuôi mẹ sống qua ngày.

Bằng nghị lực phi thường, cô gái ấy hôm nay đỗ đại học. Với Quyên, thứ quý giá nhất trong nhà là có mẹ, bàn học và sách vở.

"Bàn học ông ngoại em đóng cho. Nhà nghèo, ai cũng bảo hay thôi đừng học nữa nhưng ông luôn khuyên em học để có tri thức. Ông ngoại đã mất năm em học lớp 11, ở thế giới bên kia, biết tin cháu gái đỗ đại học, có lẽ ông vui lắm", Quyên nói với ánh mắt đỏ hoe.

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh nhặt ve chai không bố, mẹ tâm thần - 4

Để có tiền trang trải cuộc sống những năm qua, Quyên đi nhặt ve chai (Ảnh: Dương Nguyên).

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh nhặt ve chai không bố, mẹ tâm thần - 5

Cô gái cũng hái măng, rau rừng để bán kiếm tiền nuôi mẹ và ăn học (Ảnh: Dương Nguyên).

Quyên tâm sự rằng cơ thể em nhỏ bé, chỉ cao 1,45m và nặng 37kg nên nếu đi xuất khẩu lao động hoặc làm công nhân có lẽ cũng không ai nhận.

Nữ sinh luôn khát khao được tiếp tục đi học và chỉ có cách này em mới hy vọng thay đổi số phận để lo cho bà, cho mẹ.

Với suy nghĩ đó, Quyên đã nhờ bà ngoại vay mượn khắp làng trên xóm dưới số tiền 10 triệu đồng để bắt xe vào Huế và đóng phí nhập học.

"Em từng đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm để đỡ tốn kém học phí nhưng không thành. Giờ em được trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Huế cũng là một cơ hội lớn. Trong quá trình học, em sẽ làm bất cứ việc gì như rửa bát thuê, bưng bê ở quán cơm, quán cà phê để có tiền trang trải.

Ở nhà, bà ngoại sẽ đón mẹ về chăm sóc. Nếu được, em mong các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ, tiếp sức để em vững bước hơn trên chặng đường đầy chông gai sắp tới", cô gái đầy nghị lực bày tỏ.

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh nhặt ve chai không bố, mẹ tâm thần - 6

Quyên khát khao vào đại học để thay đổi số phận (Ảnh: Dương Nguyên).

Ông Thái Bá Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh, xác nhận hoàn cảnh của em Trần Thị Quyên rất khó khăn, không có bố, mẹ tâm thần, gia đình gần như không có thu nhập.

"Dù khó khăn như vậy, em Quyên đã cố gắng phấn đấu và đỗ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế với số điểm khá cao. Em Quyên đang chuẩn bị nhập học nhưng hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi mong các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ để em được theo đuổi ước mơ, hoài bão và thay đổi cuộc sống sau này", ông Tuấn nói.

Mã số 5301:

Ứa nước mắt trước ước mơ của nữ sinh "nhặt ve chai" không bố, mẹ tâm thần

26/08/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí