(Dân trí) - Tuấn Anh không biết bố là ai, mẹ bỏ đi khi em vừa tròn 4 tháng tuổi. Nương tựa vào cụ ngoại, 8 tuổi, cậu bé chưa một lần được đến trường.
Căn nhà nhỏ chắp vá trong con ngõ chật chội của xóm lao động nghèo thuộc khối 12, phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An là nơi trú ngụ của ông Trần Xuân Nghĩa.
Ông Nghĩa năm nay 73 tuổi, làm nghề xe ôm nhưng hôm nay ở nhà vì xe hỏng, chưa có tiền sửa. Chỉ vào cháu bé có khuôn mặt sáng sủa nép bên cạnh, ông Nghĩa giới thiệu: "Cháu nó tên là Trần Tuấn Anh, gọi tôi bằng cụ, năm nay 8 tuổi".
Nghe nhắc đến tên, Tuấn Anh càng nép mình sau vai cụ, đôi mắt ngơ ngác.
Bằng cái giọng sầu não, ông Nghĩa kể về đứa chắt côi cút, tội nghiệp của mình. Ông cũng chả biết bố Tuấn Anh là ai. 8 năm trước, cô cháu ngoại Trần Thị Nhung (SN 1998) đột ngột trở về sau thời gian đi làm ăn xa với cái bụng đã lùm lùm.
Thằng bé Tuấn Anh chào đời trong sự bao bọc của ông cụ và bà ngoại. Khi Tuấn Anh được 4 tháng tuổi, Nhung đột ngột biến mất, để lại cho ông Nghĩa thằng chắt ngoại khát sữa.
"Bà ngoại cháu có gia đình riêng, còn con cháu nữa nên tôi nuôi Tuấn Anh. Bao nhiêu tiền dành dụm của tôi và sự hỗ trợ của bà ngoại, đổ hết vào mua sữa cho thằng bé. Nói chém mồm, nó ngoan lắm, chả ốm đau bệnh tật bao giờ. Từ hồi đó tới giờ, mẹ Tuấn Anh cũng chả liên lạc về, tôi cũng chẳng biết nó ở đâu", ông Nghĩa nói.
Bà ngoại của Tuấn Anh thỉnh thoảng chạy qua, mua cho hai cụ cháu con cá hay lạng thịt, còn hầu như ông Nghĩa phải lo. Gửi cháu vào nhóm trẻ gần đấy, ông Nghĩa hàng ngày chạy xe ôm. Hôm nào may mắn, hai cụ cháu có bữa ăn tươm tất. Những khi không có khách, cụ Nghĩa và cháu chia nhau gói mỳ tôm dằn lòng đỡ đói.
Lần hồi, ông Nghĩa cũng nuôi được chắt ngoại lớn lên, đồng nghĩa ông cũng già đi và cái sự nghèo khó càng bi đát hơn.
Mỗi ngày, ông Nghĩa dặn chắt trông nhà, còn mình đánh chiếc xe máy cà tàng đi làm. Cái ăn còn phải lo từng bữa nên ông cũng không thể cho cháu đi học. 8 tuổi, các bạn đã lên lớp 3, còn Tuấn Anh vẫn quanh quẩn trong nhà hay bãi đất trống trước ngõ, đợi cụ đi làm về.
Xót cháu, bà ngoại xin cho Tuấn Anh vào một lớp học thêm mong cháu biết cái chữ. Tuấn Anh sáng dạ lắm, chữ viết cũng đẹp, nhưng học được vài tháng thì nghỉ vì bà không có tiền để nộp tiếp. Nghỉ học, cũng chẳng có ai kèm cặp, chữ nghĩa ít ỏi Tuấn Anh học được cũng rơi rụng dần.
"Tôi giờ già rồi, với lại xe ôm truyền thống cũng khó cạnh tranh với xe ôm công nghệ, nên chỉ mong sao kiếm đủ miếng ăn qua ngày. Vừa rồi, các con, các cháu góp tiền cho tôi và Tuấn Anh mua cái thẻ bảo hiểm y tế, phòng khi ốm đau. Không cho cháu đến trường được, tôi cũng buồn lắm, nhưng cũng không biết làm cách nào được", ông Nghĩa trải lòng.
Nhắc đến đi học, bé Tuấn Anh ôm chặt lấy tay cụ. Từ đôi mắt trong veo, ngơ ngác của Tuấn Anh, dòng nước mắt nóng hổi lăn ra...
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội phường Cửa Nam cho biết, đã nắm được thông tin về trường hợp của cháu Tuấn Anh.
"Chúng tôi tham mưu UBND phường làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Cửa Nam để đảm bảo quyền được đến trường cho cháu Tuấn Anh. Cùng với đó, chúng tôi sẽ huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cháu trong quá trình học tập.
Trước mắt, địa phương liên hệ giáo viên để dạy kèm, giúp cháu có thể bắt nhịp được khi vào lớp 1. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của quý độc giả Dân trí để cuộc sống của cháu Tuấn Anh và ông Nghĩa bớt khó khăn, con đường đến trường của cháu bớt gập ghềnh hơn", bà Hạnh cho hay.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ mã số xin gửi về:1. Ông Trần Xuân Nghĩa
Địa chỉ: khối 12, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5295