"Đau đớn, mệt mỏi cỡ nào cũng không dám nghỉ việc, ai mướn gì tôi làm nấy, nếu không thì lấy gì nuôi vợ bị ung thư, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn", anh Kiệt bật khóc khi kể về hoàn cảnh khổ sở.
Vợ bị ung thư cắt nửa phần lưỡi
Đó là câu nói xót xa chứa chan nỗi bất lực của anh Đặng Văn Kiệt, người đàn ông 38 tuổi, ngụ ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Anh Kiệt sinh ra trong gia đình có 6 người con, anh là con trưởng nhưng cũng là người có số phận hẩm hiu nhất. Tuổi đôi mươi, anh quen biết và kết hôn với chị Trần Thị Bích (41 tuổi), sau đó lần lượt 2 đứa con là Đặng Tiến Đạt (học lớp 6) và Trần Minh Đức (đang học lớp 1) ra đời.
Sở dĩ hai anh em ruột khác họ là do bé Đức khó nuôi nên lấy theo họ mẹ. Anh Kiệt kể, lúc Đức chào đời không lâu thì ốm đau triền miên, nằm viện nhiều hơn ở nhà. Khi ấy, anh chở chị đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ tuyến tỉnh đến trung ương, tiêu bao nhiêu tiền cũng kệ, chỉ mong con trai khỏe mạnh. Đến năm 3 tuổi, cậu bé cứng cáp cho tới nay, thi thoảng mới ốm vặt.
Trước đây, vợ chồng anh Kiệt phụ cha mẹ làm nông, nhưng làm mãi chẳng khá nên cả hai rời quê lên Bình Dương làm công nhân. Con trai lớn gửi ông bà nội chăm sóc và cho đi học, còn bé Đức theo cha mẹ.
Dịch Covid-19 bùng phát, đôi vợ chồng "mắc kẹt" nhiều tháng ròng, tiền tiết kiệm bao năm xài cũng hết.
Khi cả nước bình thường hóa, anh chị vội vã lỉnh kỉnh hành lý trở về quê sinh sống. Do nhà cha mẹ chật hẹp, đông con nên hai vợ chồng thuê phòng trọ, cách UBND xã khoảng 2km rồi làm thuê sinh sống qua ngày.
"Về đây chúng tôi xin nông trường gần nhà làm việc, những tưởng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn khi tha hương, trái lại công ty nợ lương, phá sản chủ cũng trốn mất. Chúng tôi lại thất nghiệp nên chuyển qua làm thuê, ai mướn gì làm nấy", anh Kiệt kể.
Năm 2023, chị Bích thấy phần lưỡi nổi đẹn, ban đầu chị tưởng là nhiệt miệng cũng đi mua thuốc nhưng uống mãi chẳng hết nên đi khám bệnh. Qua chẩn đoán của bác sĩ, chị Bích có khả năng ung thư lưỡi nên chỉ định qua Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ xét nghiệm sinh tiết. Kết quả, người phụ nữ bị ung thư lưỡi và phải nhập viện phẫu thuật ngay.
Nằm viện 2 tuần, chị Bích xuất viện về nhà trong tình trạng chỉ còn nửa cái lưỡi. Vết mổ hết thuốc tê khiến chị đau nhức khôn cùng, ăn chẳng được, uống chẳng xong, thức ăn phải bơm ống truyền từ mũi tới thực quản. Chưa hết, vì còn tế bào ung thư trong cơ thể nên bác sĩ yêu cầu phải xạ trị 30 lần.
"Mỗi lần xạ trị đau đớn vô cùng, cả người dường như bị rút hết sinh lực, đau đến mức tôi tưởng mình không chịu đựng nổi. Nhiều lần nghĩ chết quách đi cho xong, chứ tôi không muốn làm khổ gia đình nữa, nhưng nghĩ lại 2 đứa con nhỏ dại, tôi có bề gì, chúng lại thành trẻ mồ côi", người phụ nữ xúc động nói. Một năm trôi qua, số lần xạ trị gần xong, chị Bích uống thêm thuốc nam nên bệnh tình cũng cầm cự được phần nào nhưng chị biết rõ, căn bệnh đang mang trong người là án tử, không biết khi nào tế bào ung thư sẽ di căn mà thôi.
"Hồi lúc phẫu thuật vợ chồng tôi gom hết chỉ có vài triệu đồng, cha mẹ, các em chồng cho thêm được gần 20 triệu đồng mới đủ chi phí mổ và điều trị. Nếu không có người thân, có lẽ tôi đã chết", chị Bích bật khóc.
Chủ trọ đuổi vì sợ xui rủi, cất căn chòi cặp bờ kênh thủy lợi
Vì chị Bích bệnh nặng, lo lắng sẽ có chuyện xui rủi nên chủ nhà trọ không cho ở nữa, buộc vợ chồng chị dọn đi. Bất lực, anh Kiệt đành đưa vợ về nhà cha mẹ chồng nương nhờ sau đó được cho mảnh đất cặp con kênh thủy lợi, cất nhà sống tạm.
Nhìn căn nhà liêu xiêu, chấp vá bằng các mảnh tôn cũ có, gỉ sét nặng, anh Kiệt chạnh lòng: "Căn nhà này tôi cất hơn một tháng mới xong. Ngày nào làm được bao nhiêu tôi tích cóp đi mua tôn cũ ở vựa ve chai về lợp mái, vách nhà. Đồ đạc thì do mấy đứa em cho.
Khả năng tôi bây giờ chỉ có thế, tôi chỉ ước ao có căn nhà tử tế che mưa, tránh nắng cho vợ con để tôi yên tâm đi làm. Mấy hôm nay trời mưa giông, đang làm tôi xin nghỉ chạy về nhà vì sợ vợ con bị nguy hiểm".
Dù làm đủ nghề, khi thì vác gỗ, dặm lúa, phác cỏ, tới mùa vác lúa mướn rồi đặt lú, đặt dớn kiếm cá tôm... việc nhiều nhưng đồng lương cộng lại chẳng đủ để lo thuốc men cho vợ, tiền học của con nên chi phí cất nhà kiên cố vẫn quá sức với người đàn ông U40.
"Tôi có bệnh sỏi thận với thoát vị đĩa đệm. Nhiều hôm khuân vác nặng quá tối về nhức ngủ không được nhưng không dám nghỉ, bởi làm ngày nào ăn ngày đó, chứ không biết ngày mai cả nhà sẽ ra sao. Khổ thì mình chịu chứ biết sao giờ, tôi mà bỏ cuộc thì ai lo cho vợ đau ốm, cho con học hành", anh Kiệt rưng rưng nước mắt tâm sự.
Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Trường Long A xác nhận hoàn cảnh hộ anh Kiệt thuộc diện khó khăn, cần sự sẻ chia của cộng đồng. Địa phương mong bạn đọc báo Dân trí, mạnh thường quân, nhà hảo tâm sẽ đồng cảm, giúp đỡ để gia đình anh Kiệt vượt qua nghịch cảnh.