Chỉ một khoảnh khắc bất cẩn của người lớn, khiến bé 2 tuổi bị cả nồi canh nóng đổ lên đầu, tính mạng nguy kịch. Đưa con nhập viện cấp cứu, người bố nghèo chỉ có 19 ngàn đồng.
Trên đường dẫn phóng viên Dân trí vào phòng cách ly đặc biệt thăm bé Chảo Minh Tuấn (trú tại Bảo Lạc, Cao Bằng), bị bỏng canh nóng rất nặng, nhập viện rạng sáng ngày 26/6. Anh Nguyễn Trung Tơn, Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết:
"Bé Tuấn bị bỏng canh nóng 30% cơ thể tại mặt, ngực, bụng, lưng, 2 tay, sốc bỏng. Với một em bé 2 tuổi, thực sự rất nặng nề.
Con nhập viện cấp cứu, người bố chỉ có 19 ngàn đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình cháu, các y, bác sĩ phải xúm vào người cho đồ ăn, người cho quần áo, rồi liên hệ tổ Công tác xã hội quyên góp, vận động tìm nguồn hỗ trợ", anh Tơn chia sẻ.
Trên giường bệnh, cậu bé Tuấn oằn mình khóc ré lên từng hồi, cố rướn người về phía trước. Nhưng khắp cơ thể là những lớp băng, gạc dày quấn chặt, khiến cho mọi "nỗ lực" của bé nhằm chống lại cơn đau khủng khiếp, dường như... vô vọng.
Sau một hồi vật vã, bé Tuấn gần như đã kiệt sức, tiếng khóc nhỏ dần, nhỏ dần… Em nằm bất động, mắt nhắm nghiền, cơ thể non nớt của bé khẽ rùng mình cựa quậy mỗi khi dịch vàng từ những vết bỏng sâu tứa ra thấm đẫm băng, gạc.
2 tuổi, bé còn quá nhỏ để biết được điều gì đã xảy ra với mình, thoi thóp thở với sự hỗ trợ của một giàn máy móc, thiết bị duy trì sự sống cho em. Em vẫn nằm đó nhắm nghiền đôi mắt, trong sự đau đớn đến tột cùng và sự ân hận, day dứt của người thân.
Từ lúc con hồi tỉnh, Chảo Vằng Khé, SN 2002 (bố bé Tuấn), không rời giường bệnh của con nửa bước. Mỗi khi cậu bé 2 tuổi cố gắng trở mình nhưng không nổi, người cha tội nghiệp lại quỳ xuống bên con, đưa đôi bàn tay thô ráp vụng về lau nước mắt cho con trai.
Người đàn ông dân tộc Dao thì thầm bên con bằng tiếng của dân tộc mình, rồi lại bật khóc nức nở. Dường như, nỗi ân hận, sự dằn vặt…, đang giày xéo tâm can người cha nghèo khó này, chỉ vì một giây phút bất cẩn đã khiến đứa con trai yêu quý của mình rơi vào cảnh "thập tử nhất sinh".
Đưa ống tay áo lau nước mắt, bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi của mình, Chảo Vằng Khé nghẹn ngào kể cho chúng tôi về tai họa bất ngờ giáng xuống đứa con bé bỏng:
Ngày 25/6, gia đình Khé dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng để đi nương. Thức ăn chỉ có canh rau rừng nấu với mì tôm. Nồi canh vừa bắc từ bếp ra, Khé để lên bàn rồi đi lấy bát, định chia mỗi người một ít. Bố vừa quay đi, đúng lúc bé Tuấn lẫm chẫm đi tới, với tay lên…, và rồi tai họa xảy đến.
Khé nói, thằng bé bị cả nồi canh nóng đổ ụp lên đầu. Khi cởi áo con ra, từng lớp da của bé bị kéo tuột theo. Đau đớn, thằng bé ngằn ngặt khóc đến lịm đi.
Sau khi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện Bảo Lạc, bé Tuấn được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng. Do tình trạng quá nặng, bé được các bác sĩ chuyển ngay xuống Hà Nội.
Chuyến xe cứu thương chạy xuyên đêm, đưa bé Tuấn tới thẳng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bỏng quốc gia vào lúc rạng sáng ngày 26/6 đã kịp thời giữ lại được tính mạng cậu bé 2 tuổi.
Kể về hoàn cảnh gia đình mình, Khé cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay ở địa phương. 8 người lớn, bé sống trong chen chúc căn nhà gỗ lụp xụp cũ nát.
Vợ chồng Khé còn một đứa con 4 tuổi đang học mẫu giáo. Bố mẹ Khé thường xuyên đau yếu và 2 đứa em vẫn đang đi học… Gánh nặng cuộc sống đổ dồn lên đôi vai của vợ chồng trẻ mới ngoài 20 tuổi.
"Bố mẹ đau yếu, con nhỏ nên vợ chồng em không đi làm xa được, chỉ quanh quẩn nương rẫy thôi. Nhà em nghèo, em không có tiền, cũng không biết vay ở đâu!... ", Khé cúi mặt lí nhí nói.
Là người trực tiếp kêu gọi vận động, tìm nguồn kinh phí giúp gia đình bé Tuấn, chị Hoàng Ánh Dương, cán bộ tổ Công tác xã hội cho biết: Nhìn đứa trẻ 2 tuổi vật vã trong đau đớn, thật khó ai có thể cầm lòng được.
Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé, chúng tôi càng thấy ái ngại vô cùng. Trước mắt, chúng tôi đã thu xếp để lo bữa ăn cho vợ chồng Khé, và xin cháo, sữa cho bé Tuấn.
"Bé bị bỏng diện rộng, nên quá trình chữa trị của bé Tuấn sẽ lâu dài và tốn kém, ngoài các loại thuốc trong Bảo hiểm y tế, bé phải sử dụng thêm thuốc và các chế phẩm dinh dưỡng khác, tiếp sau là phục hồi chức năng và có thể phải phẫu thuật tạo hình nữa.
"Chú lính chì" dũng cảm này đã vượt qua giây phút cam go nhất, xin mọi người hãy giúp con!... ", chị Dương tha thiết nói.