1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Vụ "mật báo" Dương Chí Dũng lại làm nóng Quốc hội

(Dân trí) - “Thực tiễn hoạt động tư pháp tôi thấy xảy ra nhiều vụ cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ bí mật công tác như làm lộ thông tin dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tẩu tán tài sản… như vụ Dương Chí Dũng vụ án Vinaline”, đại biểu Hà Công Long nói.

Ngày 27/10, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

Đại biểu Hà Công Long nêu lại vụ lộ thông tin dẫn đến việc Dương Chí Dũng chạy trốn
Đại biểu Hà Công Long nêu lại vụ lộ thông tin dẫn đến việc Dương Chí Dũng chạy trốn

Đại biểu Hà Công Long (tỉnh Gia Lai), tán thành cao với việc giao cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát điều tra những vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, với quy định như trong dự thảo luật thì chưa giải quyết được triệt để những vướng mắc của hoạt động điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát.

“Sở dĩ như vậy là vì trong thực tiễn hoạt động tư pháp tôi thấy đã xảy ra nhiều vụ cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ bí mật công tác như làm lộ thông tin bắt tạm giam, khám xét, kê biên dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản mà như các đại biểu chắc đều đã rõ khi thông tin bắt Dương Chí Dũng vụ án Vinaline đã gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào”, đại biểu Hà Công Long nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Long, còn rất nhiều những hành vi như môi giới hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tư pháp chiếm đoạt tài sản mà xã hội chúng ta thường gọi là “chạy án”.

Đại biểu cho rằng, đó là những tội phạm thật sự xâm phạm đến trật tự hoạt động tư pháp. Do vậy, nếu cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân không được giao thẩm quyền điều tra những tội phạm nêu trên, thì Viện Kiểm sát nhân dân khó có thể bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố vốn là mục tiêu của cải cách tư pháp cũng như yêu cầu của việc sửa đổi luật này là khắc phục những vấn đề khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

Vì vậy, đại biểu Hà Công Long đề nghị bổ sung vào dự thảo luật giao cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát điều tra một số tội phạm khác về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ cơ quan tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, oan sai, bức cung thường xảy ra ở tiền điều tra, trong khi đó Viện Kiểm sát lại chưa có quyền giám sát. “Do vậy, Viện Kiểm sát cũng phải trực tiếp tiến hành điều tra, một mặt đề cao tính chuyên nghiệp điều tra”, đại biểu Quyền nói.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị giao cho Viện Kiểm sát khởi tố cả các vụ việc dân sự, kinh tế - trong trường hợp các việc dân sự đó liên quan doanh nghiệp nhà nước. “Trường hợp đó, phải để Viện Kiểm sát khởi tố. Nếu có thể khởi tố vụ án dân sự, chúng ta đã không mất 4.000 tỷ trong vụ án Huyền Như”, đại biểu nói.

Đồng tình với những sửa đổi tại Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật đã làm rõ chức năng công tố và chức năng tư pháp, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra, cá nhân và quy định giao cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát thực hiện điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, qua thực tiễn điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp, đại biểu Gòn cho rằng, nếu chỉ giao cơ quan điều tra theo những tội danh như trên thì chưa khắc phục triệt để những khó khăn khi điều tra làm rõ hành vi phạm tội trong hoạt động tư pháp. “Tôi kiến nghị giao cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm trong hoạt động tư pháp, thay vì chỉ 2 tội xâm phạm như trong dự thảo luật. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu cho cơ quan này điều tra một số vụ án tham nhũng, những vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, đại biểu Gòn nêu.

Nhất trí với các kiến nghị của đại biểu khác về hoạt động điều tra tội phạm tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (tỉnh Yên Bái) cũng kiến nghị, dự thảo luật cần bổ sung thêm cơ quan điều tra Viện kiểm sát có thể thực hiện điều tra các loại tội phạm khác. Đồng thời đại biểu này cũng cho rằng, với những vụ án vi phạm quyền và lợi ích của nhà nước hoặc cá nhân nên giao cho Viện kiểm sát nhân dân thẩm quyền khởi tố những vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế. Vì theo đại biểu, không cơ qua nào phù hợp hơn Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền này.

Lấy ý kiến dân sửa đổi Bộ Luật dân sự

Dự thảo Bộ Luật dân sự sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp thứ 8, thứ 9 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 cuối năm 2015. Là một bộ luật lớn và có nhiều điểm mới nên theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong khoảng thời gian từ 1/2015 đến 3/2015. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Quang Phong