1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Lắk:

Khi đu dây là con đường mưu sinh duy nhất

(Dân trí) - Sau cái chết thương tâm của ông Chua khi đang đu dây qua sông, người dân xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) dù bàng hoàng xót thương nhưng vẫn tiếp tục… đu dây. Bởi đó là con đường duy nhất giúp họ mưu sinh kiếm sống.

Đu dây qua sông, vợ bị thương, chồng tử nạn

 

Năm 1976, gia đình ông  Nguyễn Chua (53 tuổi, ngụ thôn 6, xã Hòa Lễ) rời bỏ đất Quảng Nam vào Tây Nguyên lập nghiệp. Vợ chồng ông có 4 người con. Sau bao ngày làm thuê làm mướn vất vả, ông bà dành dụm được ít tiền mua miếng đất để canh tác cà phê bên kia sông và cất tạm 1 căn nhà cấp 4 để ở. Nhà bắt đầu có chút của để dành thì tai họa dồn dập đổ ập xuống gia đình ông mà nguyên nhân chính là do đu cáp treo tự chế để qua sông.
 
Không đu dây thì không biết làm thế nào để mưu sinh.
Không đu dây thì không biết làm thế nào để mưu sinh.

 

Ông Nguyễn Chát (47 tuổi, em trai nạn nhân) chưa hết bàng hoàng kể lại: khoảng 7h sáng ngày 26/10, ông và anh trai tải 11 bao phân qua sông bón cho cà phê. Khi cả 2 người đã qua bờ sông chuẩn bị công việc thì ông Chua phát hiện để quên chiếc điện thoại bên kia bờ, bèn đu dây qua bên kia lấy điện thoại. “Khi anh lấy được điện thoại và bắt đầu đu dây được 1 xíu thì ròng rọc trượt khỏi dây cáp. Anh tôi kêu lên rồi ngã bật xuống gốc cây. Thấy anh trai rơi xuống mà tôi bất lực, không thể làm gì để cứu anh”, ông Chát ngậm ngùi nói.

 

Anh Trần Thanh Thuy (31 tuổi), người chứng kiến tai nạn của ông Chua, cho biết: “Tôi đu qua bờ sông, ngoái đầu lại thấy ông Chua vừa đu được 1 đoạn ngắn, rồi thấy ông hét lên. Ngay sau đó ông rớt xuống lưng đập mạnh vào gốc cây, rồi rớt thẳng xuống mép sông gồ ghề…”.

 

Cũng tại khúc sông “oan nghiệt” này, hơn 2 tháng trước, ngày 15/8/2014, bà Nguyễn Thị Thọ (52 tuổi, vợ ông Chua) dùng ròng rọc đu người sang sông làm rẫy cũng bị rơi xuống sông, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Cho đến nay bà vẫn chưa đi làm được.
 
Bà Thọ vừa bị ngã khi đu dây qua sông, chưa hồi phục thì nhận tin dữ của chồng.
Bà Thọ vừa bị ngã khi đu dây qua sông, chưa hồi phục thì nhận tin dữ của chồng.

 

Được biết, không chỉ gia đình ông Chua, hàng trăm hộ dân tại xã Hòa Lễ từ nhiều năm nay đều phải chấp nhận việc đu dây qua bên kia bờ sông Krông Ana để canh tác.

 

Ông Võ Châu Thắng, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi của UBND xã Hòa Lễ, cho biết, mới đây người dân đã góp tiền làm được một chiếc cầu tạm để người dân thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, cây cầu này khi nước lớn có thể bị ngập, thậm chí bị cuốn trôi nên người dân vẫn duy trì việc đu dây.

 

Biết nguy hiểm vẫn phải liều

 

Dòng sông Krông Ana đoạn chảy qua xã Hoà Lễ là ranh giới giữa địa phương với ba xã Cư Kty (huyện Krông Bông), xã Vụ Bổn và xã Ea Yiêng (thuộc huyện Krông Pắk). Dọc đoạn sông Krông Ana dài khoảng 18km hiện vẫn chưa có một chiếc cầu nào bắc qua nên muốn qua sông, vào mùa cạn người dân dùng ghe chèo sang. Vào mùa mưa lũ, dòng nước chảy xiết, không có cách nào khác, người dân xã Hòa Lễ nảy ra “sáng kiến” chế ra cáp treo tự chế để đu dây từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia để đi làm rẫy. Đến chiều lại lần lượt “bay” từ bờ sông bên kia qua để về nhà. Sợi dây cáp mỏng manh hàng ngày không chỉ “tải” hàng trăm lượt người mà còn phải vận chuyển hàng hóa, nông sản, thậm chí cả phương tiện đi lại của người dân.

 

“Công cụ” vượt sông là 1 sợi dây cáp, 2 cọc gỗ cố định 2 đầu dây cáp, 1 con ròng rọc, 1 sợi dây cu-roa để luồn qua con ròng rọc. Người qua sông ngồi giữa sợi dây, đu người từ từ qua sông.

 

Sau tai nạn thương tâm vì đu dây vượt sông của ông Chua, những tưởng người dân địa phương sẽ sợ hãi và không dám đu dây, nhưng cảnh đu dây như diễn xiếc của bà con vẫn diễn ra như ngày thường.

 

Ai cũng biết nguy hiểm luôn tiềm ẩn nhưng ai cũng đành nhắm mắt làm liều.
 
Hệ thống ròng rọc đơn giản.
Hệ thống ròng rọc đơn giản.

 

Anh Nguyễn Văn Phương (38 tuổi) tâm sự: “Có lần vào mùa thu hoạch, tôi vận chuyển nông sản về rơi hết cả xuống sông. Cũng có khi ròng rọc bị hư, đu không qua tới bờ, người treo lơ lửng trên không buộc người dân phải dùng tay bám vào sợi dây cáp mà nhích từng tí để vào bờ. Giờ mùa thu hoạch đến, không đu dây thì không còn cách nào khác để thu hoạch cà phê cả, đành chấp nhận”.

 

Bà Nguyễn Thị Huấn (48 tuổi) tha thiết: “Cả thôn, cả xã tôi ước ao có 1 cây cầu lâu lắm rồi. Giờ không có cầu, cách duy nhất để làm ăn chỉ có đu dây. Không làm vậy lấy gì để sống đây?”.

 

Chính quyền địa phương “lực bất tòng tâm”

 

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ - cho biết, trước đây trên địa bàn xã có trên 20 điểm cáp treo tự chế. Sau khi báo chí phản ánh, đã có lệnh tháo dỡ và nghiêm cấm đu cầu treo. Tuy nhiên hiện vẫn còn 3, 4 điểm cáp treo vì người dân muốn sau vụ mùa thu hoạch mới tháo bỏ. Địa hình nơi đây hiểm trở, không có cầu qua sông thì đu dây là cách duy nhất.

 

Sau vụ tại nạn nói trên, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh xuống tận hiện trường động viên, tháo dỡ cáp treo nhưng người dân xin hoãn để sau khi thu hoạch mới tháo dỡ.

 

“Phía xã cũng đã kiến nghị nhiều lần lên cơ quan chức năng xin xây dựng cho cầu phục vụ nhu cầu cho nhân dân nhưng hiện tại vẫn chưa được xây dựng, nên biết là nguy hiểm nhưng chính quyền địa phương vẫn không có cách nào khác”, ông Sơn cho hay.

 

Ngày 28/10, đại điện Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ gia đình ông Chua 3triệu đồng, Ban ATGT huyện Krông Bông hỗ trợ 2 triệu đồng.

 

Ông Đỗ Bình Chính - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk - cho biết, những chiếc cáp treo như vậy không có trong danh mục quản lý của Sở mà thuộc quản lý chính quyền địa phương. Khi chính quyền địa phương đề xuất, Sở đã có công văn đề xuất UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính. “Vừa qua, khi đề xuất xây dựng cầu tại xã Hòa Lễ được đưa vào doanh mục đầu tư, Sở đã cử đoàn công tác xuống làm việc với chính quyền địa phương để triển khai dự án”, ông Chính nói thêm.

 

Trương Nguyễn